Việt Nam cần làm gì trước nguy cơ 'dư thừa' nam giới trong 3 thập kỷ tới?

Các nhà nhân khẩu học nhận định, để xóa bỏ tâm lý, tập quán muốn có con trai 'nối dõi tông đường', kiểm soát việc lạm dụng kỹ thuật và công nghệ hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi không phải là điều đơn giản, có thể thực hiện trong 'một sớm, một chiều' mà đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, các ban ngành đoàn thể và sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội.

Trong nhân khẩu học, tỷ số giới tính khi sinh là số bé trai trên 100 bé gái. Trong đó, mức cân bằng tự nhiên là 102-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, tỷ số giới tính khi sinh đang có sự chênh lệch rõ rệt ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Cụ thể, từ năm 2006 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam bắt đầu có xu hướng tăng đáng kể và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ năm 2012 đến nay, tỷ số giới tính khi sinh luôn duy trì ở mức trên 112 bé trai/100 bé gái. Năm 2020, tỷ số này giảm so với các năm trước đó nhưng vẫn ở mức cao (năm 2020: 112,1 bé trai/100 bé gái). Đây được xem là một trong những thách thức lớn đối với công tác dân số hiện nay.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, hiện nay, ở nước ta, tư tưởng nho giáo truyền thống, quan niệm "một trăm đứa khóc như ri, không bằng một đứa nó đi giật lùi" hay "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô" vẫn đang chi phối khá nhiều trong đời sống khiến một bộ phận không nhỏ người dân vẫn ưa thích con trai hơn con gái. Điều này gây ra tình trạng bất bình đẳng giới và là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta.

Bên cạnh các nguyên nhân trên, còn có nguyên nhân về pháp luật chưa đồng bộ, chưa tạo cơ sở pháp lý cao nhất để quy định các biện pháp can thiệp vào nguyên nhân gốc rễ là sự ưa thích sinh con trai, văn hóa nho giáo với phong tục về việc mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.

Các nhà nhân khẩu học nhận định, nếu xu hướng gia tăng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam không được khống chế, nó sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, ảnh hưởng đáng kể đến cơ cấu dân số hợp lý về giới tính và nhân khẩu học. Tỷ số giới tính khi sinh tiếp tục cao trong các năm tiếp theo thì đến năm 2050 nước ta sẽ có khoảng 2,3 - 4,3 triệu nam thanh niên ít có cơ hội lấy được vợ trong nước, gây hệ lụy cho sự phát triển bền vững.

Trong Báo cáo "Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam: Dự báo cơ cấu dân số và khuyến nghị cải cách chính sách" của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố đầu tháng 4/2022, Việt Nam đứng trước nguy cơ "dư thừa" nam giới trong 3 thập kỷ tới. Đây là hệ quả của việc tỷ số giới tính khi sinh tăng mạnh tại Việt Nam từ những năm 2000. Tình trạng này có thể dẫn đến tình trạng bạo lực giới, nạn buôn người, mại dâm, bất ổn chính trị và thiệt hại kinh tế.

Vì vậy, chung tay để giảm thiểu, hạn chế và xóa bỏ tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi ở Việt Nam là một vấn đề cấp thiết, cần phải được thực hiện đồng bộ, liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Thời gian qua, để góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, ngành Dân số đã quyết liệt triển khai các giải pháp trên khắp cả nước như: Truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về bất bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em gái; hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác thanh, kiểm tra vấn đề lựa chọn giới tính thai nhi.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Huy Dương, Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế), để xóa bỏ tâm lý, tập quán muốn có con trai "nối dõi tông đường", kiểm soát việc lạm dụng kỹ thuật và công nghệ hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi không phải là điều đơn giản, có thể thực hiện trong "một sớm, một chiều" mà đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, các ban ngành đoàn thể và sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội.

Theo ông Đinh Huy Dương, trong các giải pháp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh thì thay đổi nhận thức được coi là giải pháp chính và quan trọng nhất. Vì vậy, cần đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi, trong đó tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân nhận thức được nguy cơ của việc mất cân bằng giới tính khi sinh để mọi người tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn giới tính trước sinh. Cần tập trung nhiều, nỗ lực hơn nữa trong việc truyền thông thay đổi chuẩn mực xã hội về bình đẳng giới, đặc biệt là tập trung cho giới trẻ.

Cùng với đó, truyền thông thay đổi hành vi, xóa bỏ các định kiến giới và xây dựng các chuẩn mực mới về giới: Xây dựng các hình mẫu nam tính và nữ tính tích cực. Ví dụ như nam giới sẵn sàng chia sẻ công việc nhà với phụ nữ. Phụ nữ có thể làm những công việc trước đây thường được nghĩ chỉ có nam giới mới làm được.

Xây dựng những chuẩn mực về giới mới ở trong gia đình: Con cái sinh ra có thể mang họ mẹ. Con gái hoặc phụ nữ trong gia đình có thể thờ cúng tổ tiên, có thể đứng ra tổ chức tang lễ cho bố mẹ, người thân khi qua đời…

Anh Khôi

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/viet-nam-can-lam-gi-truoc-nguy-co-du-thua-nam-gioi-trong-3-thap-ky-toi-172220804201045853.htm