Việt Nam cần tăng trưởng liên tục gần 7%/năm để trở thành nước thu nhập cao
Tăng trưởng trung bình GDP của Việt Nam giai đoạn 1991 - 2018 là 5,6%/năm, để đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, theo tính toán của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam sẽ cần nâng mức tăng trưởng trung bình giai đoạn này lên xấp xỉ 7% mỗi năm.
Tỷ lệ nghèo đã giảm xuống 5%
Báo cáo Đánh giá Thực trạng nghèo và bình đẳng của Việt Nam năm 2022 – từ chặng đường cuối đến chặng đường kế tiếp của Ngân hàng Thế giới (World Bank), công bố ngày 28/4 cho thấy, trong vòng chưa đầy nửa thế kỷ kể từ khi chiến tranh kết thúc và sau 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động và là thị trường đầy hấp dẫn với thế giới bên ngoài.
GDP bình quân đầu người tăng từ 481 USD (1986) lên 2.655 USD (2020). Căn cứ vào chuẩn nghèo áp dụng cho quốc gia thu nhập trung bình thấp (3,20 USD/ngày tính theo ngang giá sức mua năm 2011) của World Bank, tỷ lệ nghèo của Việt Nam đã giảm từ 16,8% (2010) xuống còn 5% vào (2020).
Đại dịch COVID-19 xuất hiện đột ngột đã làm ngưng trệ tiến độ tăng lương và cải thiện về chất lượng việc làm. Tuy những tiến triển về giảm nghèo bị lùi lại nhưng không bị đảo ngược trong năm 2020.
Tăng trưởng GDP bình quân đầu người thực tế giai đoạn 1991 - 2018 của Việt Nam là 5,6%/năm. World Bank nhận định tốc độ đó cần được nâng lên mức tối thiểu 6,7% trở lên từ nay đến năm 2045 để Việt Nam có thể trở thành quốc gia thu nhập cao.
Để đạt được mức đó, tăng trưởng năng suất trên mỗi lao động sẽ cần tăng từ 5,3% mỗi năm trong giai đoạn 2012 – 2018 lên 6,6% mỗi năm, dù mức hiện tại đã là mức tăng cao nhất trong ba thập kỷ qua.
“Với tốc độ tăng được duy trì giai đoạn 2012 - 2018, Việt Nam sẽ dễ dàng trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2045, nhưng sẽ vẫn còn thiếu khoảng 4.000 USD so với mức thu nhập cao”, báo cáo của World Bank cho biết thêm.
Bên cạnh những tiến bộ đáng kể, tình trạng nghèo vẫn là mối quan ngại hàng đầu của người dân. Khảo sát của World Bank cũng chỉ ra, giai đoạn 2015 - 2020, nghèo đói được chọn là vấn đề chính cần được Chính phủ giải quyết. Nhiều người tỏ ra lo ngại về khả năng tái nghèo, nhưng còn có nhiều người hơn cho rằng tình trạng nghèo là lực cản chung đối với nền kinh tế và làm giảm uy tín quốc gia (dựa trên số liệu của UNDP PAPI 2018).
Ngoài ra, tỷ lệ nghèo ở các hộ nông thôn, hộ dân tộc thiểu số và hộ thuần nông vẫn cao đáng kể. Những nhóm này đang phải đối mặt với thách thức dài hạn do vốn nhân lực thấp hơn, chất lượng dịch vụ công ở địa phương thấp hơn, khoảng cách tiếp cận tới các cơ hội kinh tế xa hơn, và cơ hội tiếp cận với tài chính và đào tạo cũng ít hơn.
Đánh giá về tốc độ giảm nghèo của Việt Nam tại hội thảo công bố báo cáo, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, trong một thập kỷ tỷ lệ nghèo đói của Việt Nam đã giảm xuống 1/3 chỉ còn 5%. Theo bà, đây là kết quả của những chính sách cải thiện mức sống gắn với sự chuyển đổi kinh tế nhanh chóng. Bao gồm việc dịch chuyển việc làm ra khỏi khu vực nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo ở khu những khu vực khó khăn nhất của đất nước.
Tuy nhiên, vấn đề dễ bị tổn thương kinh tế là tình trạng đáng lo ngại hơn cả tỷ lệ nghèo. Một số nhóm dân số ngay cả khi không còn nghèo nữa nhưng vẫn cần lưới an sinh xã hội đảm bảo an toàn, trong bối cảnh kinh tế suy thoái như nhóm lao động phi chính thức hay nhập cư.
“Chương trình nghị sự mới về nghèo đói, bình đẳng, không còn chỉ là nâng cao mức sống tối thiểu và giảm nghèo kinh niên, mà còn cần tạo ra những đường hướng kinh tế mới, bền vững cho một nhóm dân cư có khát vọng cao hơn”.
Bà Carolyn Turk
Những điểm cốt lõi cho chặng đường kế tiếp
Để các hộ gia đình có thể vươn lên mức sống của quốc gia thu nhập trung bình cao trong chặng đường kế tiếp, báo cáo của World Bank khuyến nghị Việt Nam cần có sự đầu tư công bằng vào vốn nhân lực, coi đây là điều kiện cần để giảm nghèo bao trùm và phá vỡ xu thế nghèo liên thế hệ.
COVID-19 cũng gây ra những tổn thất lớn về học tập, với cảm nhận rõ hơn trong số trẻ em không được tiếp cận với công nghệ số. Điều đó có thể tiếp tục nới rộng khoảng cách về đầu tư cho vốn nhân lực.
Theo World Bank, muốn trở thành quốc gia thu nhập cao đòi hỏi năng suất lao động cũng cần được nâng cao. Thị trường lao động vẫn có những đặc trưng như mức lương còn thấp, khu vực phi chính thức còn lớn và các nghề đòi hỏi kỹ năng cao tăng trưởng còn chậm.
Việt Nam cũng cần có những chính sách kinh tế nhằm duy trì tăng trưởng bền vững, được bổ sung bằng những chiến lược phòng vệ để tránh các hộ gia đình bị tái nghèo. Các hộ gia đình đang có nguy cơ với các cú sốc khác nhau, trong khi người nghèo có nguy cơ bị rơi vào bẫy nghèo.
COVID-19 cho thấy hệ thống đảm bảo xã hội đang phải đối mặt với một số thách thức về khả năng tiếp cận những cá nhân và người lao động bị ảnh hưởng nhưng nằm ngoài tầm nhìn của Chính phủ, chẳng hạn người lao động trong khu vực phi chính thức.
Bên cạnh đó, chính sách tài khóa cũng được World Bank nhận định là công cụ hữu ích hỗ trợ hình thành một xã hội tầng lớp trung lưu phát triển bao trùm và thịnh vượng. Qua so sánh tác động tài khóa giữa các quốc gia, chính sách tài khóa của Việt Nam đang ở mức trung bình trong số các quốc gia thu nhập trung bình thấp về hỗ trợ góp phần giảm bất bình đẳng.
“Gói chính sách tài khóa phù hợp có thể giúp huy động vốn phục vụ nhu cầu đầu tư cho quốc gia và người lao động để nâng cao năng suất và thu nhập, chẳng hạn nhằm hiện đại hóa nông nghiệp, cải thiện về kỹ năng và chất lượng giáo dục, hạ tầng số vững chắc hơn và các dịch vụ liên quan”, báo cáo lưu ý.
Cải thiện chất lượng giáo dục là đòn bẩy tăng năng suất lao động
Một trong những động lực quan trọng để nâng cao tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam phụ thuộc vào tốc độ tăng năng suất lao động.
Cũng tại hội thảo công bố báo cáo, đưa ra giải pháp cải thiện năng suất lao động từ khâu đào tạo, PGS. TS Huỳnh Quốc Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, để đạt được tăng trưởng GDP như kỳ vọng xấp xỉ 7%/năm, phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng nhân lực đào tạo đại học và các cơ sở đào tạo chất lượng cao khác.
PGS. TS Huỳnh Quốc Thắng
Trước bối cảnh đó, ông Thắng đưa ra 3 điểm cần lưu ý. Thứ nhất là các trường đại học và doanh nghiệp cần đồng hành với nhau trong đào tạo nguồn nhân lực để sinh viên khi ra trường có thể tiếp cận cơ hội việc làm nhanh và phù hợp hơn. “Mục tiêu tăng năng suất lao động cũng cần có sự tiến bộ khoa học kỹ thuật. Doanh nghiệp có thể phối hợp với các trường đại học cải thiện khoa học kỹ thuật, công nghệ để năng suất của người lao động cũng tăng theo”, ông Thắng đưa ra ý kiến thứ hai.
Lớp trẻ Việt Nam có nhiều khả năng nhưng cần được tạo điều kiện, nuôi dưỡng, khuyến khích đổi mới sáng tạo là lưu ý thứ ba mà Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng có thể giúp tăng năng suất lao động và tăng trưởng nền kinh tế.
Song song với các giải pháp tăng năng suất lao động, TS. Nguyễn Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tư vấn Chính sách kinh tế - xã hội lại đưa ra các giải pháp để tạo ra chất lượng giáo dục đồng đều. Theo ông Thắng, kết quả báo cáo của World Bank tương đồng với những gì diễn ra trên thế giới. Năng lực lao động nâng cao đang tạo ra khoảng cách lớn ở những tầng lớp khác nhau. Điều này phụ thuộc vào khả năng tiếp cận nền tảng giáo dục, chi phí cho giáo dục và chi phí cơ hội, do vậy cần có những giải pháp toàn diện và đặc thù.
“Cần có sự phổ cấp giáo dục, có những ưu đãi cho giáo viên và học sinh vùng sâu vùng xa để không tụt lại trong giáo dục phổ thông. Giảm bớt những chi phí đóng góp không chính thức, giảm chi phí học thêm bằng cách chuẩn hóa chương trình ở mức cơ bản”.
TS. Nguyễn Thắng
“Việc những trẻ em được hưởng nền giáo dục chi phí cao có kết quả tốt hơn những trẻ em có chi phí giáo dục thấp là sự bất bình đẳng ảnh hưởng đến cơ hội cuộc đời. Đây là vấn đề cần sớm giải quyết ở chặng đường tiếp theo”, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn Chính sách kinh tế - xã hội khuyến nghị,.