Việt Nam cần thêm doanh nghiệp vừa để phát triển lớn

Doanh nghiệp quy mô vừa hiện nay chỉ chiếm 1,5% trong nền kinh tế, khiến Việt Nam vắng lực lượng kế cận cho lớp tập đoàn tư nhân lớn.

Nhiều chuyên gia lo ngại, cơ cấu trên là "bất thường và đáng quan ngại".

Trong một ví dụ điển hình, Công ty TNHH sản xuất thương mại Việt An Phát là doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và phân phối các loại máy dán tem nhãn đầu tiên tại thị trường Việt, với hơn 5 năm hoạt động, doanh thu từ 20-30 tỷ mỗi năm. Công ty luôn kì vọng sẽ mở rộng thêm nhà máy sản xuất, lắp ráp trong nước để giảm giá thành sản phẩm và tăng quy mô hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế lại không phải câu chuyện dễ dàng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Trang, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Việt An Phát, cho hay: "Các linh kiện phục vụ cho việc sản xuất máy móc ở thị trường Việt Nam hiện nay còn rất yếu. Do vậy, để có thể phát triển được trong mảng sản xuất máy móc thì công ty chúng tôi xác định, trong thời gian đầu vẫn phải nhập rất nhiều linh kiện từ nước ngoài về. Trong quá trình nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài về, điều khó khăn nhất của chúng tôi đang gặp phải mà chưa thể triển khai được là về mã HS, làm thế nào để quy chuẩn được mã HS mà doanh nghiệp yên tâm sử dụng mã đó lâu dài và hợp pháp".

Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Điện cơ Thành An, chia sẻ: "Đa phần các chủ doanh nghiệp đi lên từ nghề nên sự quản lý cũng như tư duy còn rất hạn chế. Một số doanh nghiệp lớn thì một là họ có tư duy đổi mới khi mà có những họp hành bài bản; thứ hai là cũng có nền tảng sẵn".

Thực tế, tình trạng thiếu doanh nghiệp vừa được đề cập từ năm 2015, khi Việt Nam mới có hơn 400.000 doanh nghiệp, tuy nhiên, đến hiện nay, dù lượng doanh nghiệp đã tăng khoảng 2,5 lần nhưng lượng doanh nghiệp vừa vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân do doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, lao động cũng như nguồn tài nguyên, đồng thời ngại rủi ro nên chưa mạnh dạn đầu tư.

Ông Trần Văn Minh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, cho biết: "Với tỷ trọng 1.5%, đây là có con số đáng báo động, đáng ngại đối với một nền kinh tế muốn phát triển, muốn tốc độ tăng trưởng hai con số. Lực lượng doanh nghiệp nhỏ rất đông và với điểm nghẽn là các thủ tục hành chính, các rào cản về cơ chế về chính sách, ví dụ như tính bình đẳng giữa các thành phần kinh tế - kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa được bình đẳng".

TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, cho biết thêm: "Có những nguyên nhân từ ngoại cảnh, từ môi trường kinh doanh dẫn đến những khó khăn về khả năng tiếp cận nguồn vốn, khả năng tiếp cận lao động và tiếp cận các nguồn tài nguyên của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay. Các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn như vậy, họ không mạnh dạn đầu tư ở quy mô lớn hơn. Những rủi ro về mặt pháp lý của môi trường kinh doanh, những yếu tố tư duy về mặt quản lý hiện nay vẫn chưa khuyến khích các doanh nghiệp".

Theo các chuyên gia phân tích, thời gian để một doanh nghiệp nhỏ vươn lên quy mô vừa và lớn thường mất 10-20 năm, nhưng có thể rút ngắn còn 3-5 năm khi áp dụng công nghệ. Do đó, quyết tâm chính trị cùng hành động mạnh mẽ sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có đà lớn lên, nâng tỷ trọng doanh nghiệp về mức hợp lý hơn, tham gia cùng các khu vực kinh tế khác đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình.

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/viet-nam-can-them-doanh-nghiep-vua-de-phat-trien-lon-317932.htm