Chủ tịch Toyota phát ngôn sốc sau vụ sáp nhập bất thành giữa Nissan và Honda?

Chủ tịch Toyota Akio Toyoda bày tỏ sự thất vọng về thương vụ sáp nhập của Nissan và Honda, cho rằng 2 hãng không tập trung vào điều quan trọng nhất.

Nissan và Honda đã bỏ quên sản phẩm

Gia nhập Toyota từ năm 1984, Akio Toyoda gần như hiểu rõ mọi ngóc ngách của ngành công nghiệp ô tô.

Ông từng giữ chức CEO hơn một thập kỷ trước khi rút lui vào năm 2023 để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Trong suốt thời gian điều hành, ông đóng vai trò then chốt trong việc đưa Toyota trở thành tập đoàn ô tô lớn nhất thế giới. Năm 2024, công ty do ông nội ông là Kiichiro Toyoda sáng lập đã giữ vững vị trí số một toàn cầu năm thứ 5 liên tiếp.

Lãnh đạo Nissan, Honda và Mitsubishi trong buổi họp báo tháng 12/2024.

Lãnh đạo Nissan, Honda và Mitsubishi trong buổi họp báo tháng 12/2024.

Ở tuổi 68, Akio Toyoda đủ kiến thức và kinh nghiệm để nhận xét đâu là điều cốt lõi trong ngành. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Automotive News, ông đã chia sẻ quan điểm về cuộc sáp nhập thất bại giữa Honda và Nissan.

Cụ thể, tại buổi họp báo chung diễn ra ngày 23/12/2024, với sự tham dự của cả Honda, Nissan và Mitsubishi, điều khiến ông Toyoda thất vọng là họ gần như không nhắc đến những chiếc ô tô.

“Tôi đã rất thất vọng khi nghe những gì 3 hãng xe nói trong buổi họp báo. Vì họ hoàn toàn không nhắc gì về sản phẩm cả”, Chủ tịch Toyota cho biết.

Thay vào đó, bản ghi nhớ hợp tác giữa Nissan và Honda chỉ toàn những từ ngữ sáo rỗng như “hợp lực” và “tích hợp kinh doanh”, với mục tiêu phát triển thành một “công ty di chuyển toàn cầu hàng đầu”.

Dù trong văn bản cũng có đề cập đến việc tiêu chuẩn hóa nền tảng xe và chia sẻ mẫu mã giữa hai hãng, nhưng không có bất kỳ chi tiết cụ thể nào.

Nissan sau đó đã lên tiếng về việc thiếu vắng nội dung sản phẩm trong buổi họp báo. Mới đây, hãng đã công bố lộ trình sản phẩm đầy đủ, giới thiệu mẫu crossover chạy điện Leaf mới và mẫu Micra, đồng thời hé lộ nhiều mẫu xe sắp ra mắt.

Một chiếc Sentra hoàn toàn mới và danh mục mở rộng cho Infiniti cũng đang trong quá trình phát triển.

Trở lại với vụ sáp nhập đổ vỡ giữa Honda và Nissan, ông Toyoda cũng bày tỏ nghi ngờ về lợi ích nếu thương vụ này được thông qua: “Quy mô lớn không đồng nghĩa công ty sẽ mạnh. Trong ngắn hạn có thể có tác động tích cực nhưng về lâu dài, việc để tất cả cùng hài lòng là rất khó”.

Một trong những nguyên nhân lớn khiến thương vụ đổ vỡ chỉ sau 2 tháng là việc Honda muốn biến Nissan thành công ty con, thay vì sáp nhập bình đẳng giữa hai bên.

Bài học từ ngành công nghiệp ô tô

Một số người có thể cho rằng mô hình tập đoàn nhiều thương hiệu đã phát huy hiệu quả với đối thủ lớn nhất của Toyota – Tập đoàn Volkswagen.

Ông Akio Toyoda, Chủ tịch Toyota.

Ông Akio Toyoda, Chủ tịch Toyota.

Trong khi đó, với Stellantis (tập đoàn sở hữu Fiat, Maserati, Peugeot, Jeep...), dù còn quá sớm để đánh giá, nhưng các vấn đề nội bộ đã bắt đầu lộ diện, đặc biệt sau khi CEO Carlos Tavares bất ngờ từ chức.

Toyota cũng không xa lạ gì với việc sở hữu nhiều thương hiệu. Daihatsu trở thành công ty con từ năm 2016, Lexus được thành lập từ năm 1989, và hãng xe thương mại Hino về tay Toyota từ năm 2001.

Ngoài ra, Toyota cũng duy trì quan hệ hợp tác với nhiều nhà sản xuất nội địa. Năm 2024, hãng đã liên minh với Mazda và Subaru để phát triển thế hệ động cơ đốt trong mới, tiết kiệm và điện hóa hơn.

Toyota hiện nắm 20% cổ phần Subaru, 5,1% của Mazda, 4,9% của Suzuki và cả 4,9% của Isuzu.

Theo ông Toyoda, quy mô lớn có thể vừa là lợi thế, vừa là gánh nặng.

Toyota đã bán 10.821.480 xe trong năm 2024, bao gồm cả Lexus, Daihatsu và Hino. Dù doanh số giảm 3,7% so với năm 2023, hãng vẫn giữ ngôi vương toàn cầu.

Tuy nhiên, vị chủ tịch Toyota cho biết, điều hành hoạt động sản xuất và bán hàng với quy mô 10 triệu xe mỗi năm là “cực kỳ phức tạp”.

Chí Vũ

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/chu-tich-toyota-phat-ngon-soc-sau-vu-sap-nhap-bat-thanh-giua-nissan-va-honda-192250331114227356.htm