Việt Nam chỉ có thể thành nước phát triển khi có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp lớn mạnh

Theo các chuyên gia, Việt Nam chỉ có thể trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 khi có được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh.

Doanh nghiệp Việt là trung tâm, là động lực của nền kinh tế, là nền tảng tăng trưởng, là lực lượng thực hiện khát vọng thịnh vượng của quốc gia. “Dấu ấn của doanh nghiệp tư nhân (DNTN) ngày càng rõ nét ở Việt Nam. Khu vực này ngày càng có đóng góp lớn”, ông Florian Constantin Feyerabend - Trưởng Đại diện của Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) Việt Nam đưa ra lời nhận xét về lực lượng doanh nghiệp Việt.

 Ông Florian Constantin Feyerabend - Trưởng Đại diện của Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) Việt Nam. Ảnh: KAS.

Ông Florian Constantin Feyerabend - Trưởng Đại diện của Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) Việt Nam. Ảnh: KAS.

Dấu ấn của doanh nghiệp Việt

Nhìn lại chặng đường hơn 3 thập kỷ qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt không ngừng phát triển, liên tục tăng trưởng cả về số lượng doanh nghiệp, về tổng tài sản và cả đầu tư. Trong đó đã có nhiều DNTN tỷ đô như Masan Group, Thế giới Di động, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank, Vingroup…

Một số tập đoàn kinh tế tư nhân, DNTN lớn đã thành lập quỹ, trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm ngiên cứu để tạo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo như Vingroup, FPT… Một số DNTN đã có mặt trong chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu như Vingroup và Masan Group, Vinamilk và Sữa Mộc Châu, THACO và Hoàng Anh Gia Lai…

DNTN đã có mặt ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực. Một số tập đoàn tư nhân, doanh nghiệp lớn là Vingroup, Vietjet, FPT, Trường Hải, Masan, T&T, Vinamilk, TH, Lộc Trời… đã đầu tư theo chiều sâu, đầu tư ra nước ngoài. Trong đó có những dự án lớn, có những bước đầu tư để dần thâm nhập thị trường nước ngoài.

Vinfast/Vingroup mở nhà máy 4 tỷ USD ở North Carolina, mua Trung tâm thử nghiệm xe ở Úc, IPO tại Mỹ. Tập đoàn TH mua ba trại chăn nuôi gia súc ở Úc. Vinamilk thâu tóm Driftwood (Mỹ) và đã mua 22,81% vốn cổ phần tại Nhà máy Miraka ở New Zealand.

Việt Nam cũng xuất hiện ngày càng nhiều các doanh nhân tỷ phú. Năm 2022, trong danh sách tỷ phú thế giới mà Tạp chí Forbes (Mỹ) công bố, Việt Nam có 7 doanh nhân.

Tuy vậy, vị Trưởng đại diện của KAS Việt Nam cho rằng, Việt Nam hiện nay chưa có nhiều DNTN lớn, đạt được tầm cỡ thế giới. Các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á.

KAS đã hỗ trợ Viện Chiến lược phát triển (VIDS - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện Báo cáo Đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất (VPE 500) Việt Nam từ năm 2022. Đánh giá DNTN của KAS và VIDS cho thấy phần lớn DNTN có quy mô nhỏ và vừa… Chỉ có 0,22% số doanh nghiệp có quy mô từ 500 lao động trở lên. Ngay 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam này cũng còn nhỏ so với thế giới. Nhìn chung, VPE 500 hình thành dựa trên các lợi thế hạ tầng, nguồn lực và thị trường của các địa phương.VPE 500 đang phát triển dựa trên mở rộng sản xuất hơn là theo chiều sâu.

Câu chuyện doanh nghiệp Việt vẫn nhỏ bé, yếu, chậm lớn, khó lớn, thậm chí ngại lớn đã được đề cập đến nhiều năm nay với một sự thúc giục: Doanh nghiệp phải lớn lên, lực lượng doanh nghiệp Việt mạnh hơn, đội ngũ doanh nhân Việt giàu có hơn. Có nhiều tỷ phú hơn, nhiều hơn những doanh nghiệp Việt hiện diện trên thị trường thế giới, sánh vai với tập đoàn nước ngoài.

Những tập đoàn tư nhân lớn làm trụ cột

“Chúng ta cần có một lực lượng doanh nghiệp lớn hơn, khỏe hơn. Trong đó có nhiều những tập đoàn tư nhân lớn làm trụ cột có vai trò dẫn dắt ở một số ngành, lĩnh vực hoặc dẫn đầu trong chuỗi giá trị… từ đó tạo ra các chuỗi để các doanh nghiệp khác cùng phát triển”, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.

Ông Thiên nói: Việt Nam chỉ có thể trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 khi có được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đủ năng lực và ngang tầm khu vực và thế giới”. Theo vị chuyên gia này, tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam không kém. Nhưng vẫn khó phát triển, khó lớn bởi: Luật pháp vẫn còn nhiều trói buộc, thể chế không còn phù hợp. Vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không hợp lý. Vẫn đang còn nhiều nút thắt, nhiều bó buộc làm cho doanh nghiệp Việt Nam khó lớn.

“Để doanh nghiệp Việt Nam lớn lên nữa bàn tay Nhà nước rất quan trọng”, ông Florian Constantin Feyerabend gợi mở.

Theo các chuyên gia để doanh nghiệp lớn lên, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển. Phải bảo đảm đầy đủ quyền tự do, an toàn trong hoạt động kinh doanh. Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp, giảm tối đa rủi ro pháp lý và chi phí tuân thủ… Đặc biệt, cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư để cải tạo năng suất chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu.

Bên cạnh những cơ chế, chính sách, những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ lớn lên thì cũng cần phải hỗ trợ để những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn lên hơn nữa, để VPE 500 lớn hơn. Cần thiết phải có những chính sách cụ thể hơn nữa để xây dựng được một lực lượng các DNTN lớn, phát triển ổn định, chống chịu được các cú shock lớn từ bên ngoài, và làm tăng hiệu quả của toàn nền kinh tế. Cần có chính sách để có những tập đoàn tư nhân sánh vai cường quốc.

Cách hỗ trợ có thể chọn các doanh nghiệp đang tăng trưởng nhanh, đang có cơ hội mở rộng quy mô kinh doanh và thị phần. Hoặc chọn doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp mới nổi. Cách hỗ trợ là cùng đầu tư, chia sẻ rủi ro. Hỗ trợ đầu tư nghiên cứu để nắm bắt và làm chủ công nghệ. Hỗ trợ bằng cách ban hành các chính sách phù hợp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển…

Các chuyên gia nhấn mạnh, để có lực lượng doanh nghiệp khỏe, doanh nhân tiếp tục dấn thân và cống hiến thì cần ứng xử đúng, tôn vinh xứng đáng những doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính. Những doanh nhân Việt chính là người đang tạo nên diện mạo mới cho nền kinh tế, là những người người thực hiện khát vọng thịnh vượng của đất nước. Họ cũng chính là người tạo nên hình ảnh và xây dựng năng lực Việt Nam trong các cuộc đua tranh quốc tế.

Hà Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/viet-nam-chi-co-the-thanh-nuoc-phat-trien-khi-co-doi-ngu-doanh-nhan-doanh-nghiep-lon-manh-post268284.html