Việt Nam chủ trì tổ chức sự kiện về bảo đảm quyền lương thực bên lề Khóa họp LHQ

Ngày 3/7, bên lề Khóa họp lần thứ 59 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) ở Geneva (Thụy Sĩ), Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Geneva đã phối hợp với Phái đoàn Bangladesh, Mexico và Hà Lan đồng tổ chức sự kiện với chủ đề: 'Chuyển đổi hệ thống lương thực để thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quyền lương thực: Chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn'.

Đại sứ Mai Phan Dũng - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva (ngồi giữa) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Anh Hiển/PV TTXVN tại Thụy Sĩ

Đại sứ Mai Phan Dũng - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva (ngồi giữa) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Anh Hiển/PV TTXVN tại Thụy Sĩ

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, sự kiện thu hút sự tham dự của hơn 50 đại biểu quốc tế đến từ các phái đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế, giới học giả tại LHQ. Chủ đề chuyển đổi hệ thống lương thực để thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quyền lương thực có ý nghĩa quan trọng và có tính thời sự, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng đa tầng như biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, xung đột và mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng. Lương thực không chỉ là nhu cầu thiết yếu mang tính sinh tồn của con người, mà còn là một quyền con người cơ bản đã được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế, bao gồm Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa - ICESCR.

Đại sứ, Trưởng Đại diện các nước đồng tổ chức cũng chia sẻ nhiều thực tiễn đa dạng, đóng góp cho thành công cuộc thảo luận. Trong đó, Đại sứ Bangladesh nhấn mạnh vai trò của cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong bảo vệ những người dân thuộc nhóm yếu thế trước tác động của biến đổi khí hậu. Đại sứ Mexico nhấn mạnh vai trò then chốt của người dân bản địa Mexico và nông dân quy mô nhỏ trong xây dựng hệ thống lương thực linh hoạt. Đại sứ Hà Lan chia sẻ mô hình hợp tác giữa chính phủ và các đối tác phát triển trong chuyển đổi nông nghiệp bền vững.

Về phần mình, ông Benjamin Schachter, Cố vấn về Nhân quyền và Môi trường của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ, đã nhấn mạnh vai trò trung tâm của quyền lương thực trong hệ thống các quyền con người, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng lương thực toàn cầu đang gia tăng. Ông Schachter khuyến nghị các quốc gia áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người trong quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực, đảm bảo sự tham gia thực chất của cộng đồng, minh bạch, trách nhiệm giải trình và không phân biệt đối xử. Ông đánh giá cao các nỗ lực của một số nước, trong đó có Việt Nam, trong việc lồng ghép quyền con người vào chương trình nghị sự khí hậu và nông nghiệp, đồng thời khẳng định OHCHR sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ kỹ thuật trong tiến trình này.

Các thành viên của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva. Ảnh: Anh Hiển/PV TTXVN tại Thụy Sĩ

Các thành viên của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva. Ảnh: Anh Hiển/PV TTXVN tại Thụy Sĩ

Tại sự kiện, ông Lê Minh Tuấn - đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam - đã chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam trong thúc đẩy hệ thống lương thực bền vững, tiêu biểu là Chương trình phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Ông nhấn mạnh chương trình không chỉ hướng tới nâng cao thu nhập cho nông dân, bảo vệ môi trường và giảm phát thải, mà còn góp phần đảm bảo quyền lương thực, đặc biệt cho các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và người nghèo. Các mô hình như 1P5G, quản lý rơm rạ, cơ giới hóa sản xuất, và tăng cường sự tham gia của phụ nữ đã được áp dụng hiệu quả tại Việt Nam.

Sự kiện không chỉ thể hiện rõ vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trong thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mà còn góp phần mở rộng mạng lưới đối tác và chia sẻ bài học kinh nghiệm thực tiễn với cộng đồng quốc tế. Việc bảo đảm quyền lương thực, đặc biệt cho các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, cộng đồng dân tộc thiểu số và người sống ở vùng ven biển, không thể tách rời khỏi các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu làm gia tăng rủi ro thiên tai, xói mòn đất, khô hạn, nước biển dâng và dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và khả năng tiếp cận lương thực của hàng tỷ người.

Ngược lại, chuyển đổi hệ thống lương thực theo hướng bền vững, phát thải thấp, thân thiện với môi trường sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, bảo tồn hệ sinh thái và tăng khả năng chống chịu của cộng đồng. Đây chính là cách tiếp cận “hai trong một” - vừa bảo đảm thực thi quyền con người, vừa thúc đẩy công bằng khí hậu.

Với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025 và là quốc gia đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, Việt Nam cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các quốc gia, tổ chức quốc tế và cộng đồng toàn cầu trong xây dựng các giải pháp bền vững, lấy con người làm trung tâm, vì một tương lai không đói nghèo và phát triển hài hòa với thiên nhiên.

Anh Hiển - Văn Tuấn (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/viet-nam-chu-tri-to-chuc-su-kien-ve-bao-dam-quyen-luong-thuc-ben-le-khoa-hop-lhq-20250704195919126.htm