Việt Nam chưa tiếp cận với nhiều nguồn quỹ về môi trường, khí hậu
Ngày 9/2, Thứ trưởng Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác của Bộ TN&MT triển khai thực hiện kết quả COP26 với các bên tham gia.
Nhiều thay đổi trong thời gian ngắn
Theo báo cáo của Cục Biến đổi khí hậu, sau khi kết thúc Hội nghị COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo.
Theo đó, Bộ TN&MT đã xây dựng dự thảo Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo; danh mục các nhóm nhiệm vụ trọng tâm thực hiện mục tiêu đạt cam kết trung hòa các-bon; gửi văn bản tới các Bộ, ngành liên quan đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện kết quả COP26 theo lĩnh vực quản lý. Các Bộ, ngành khác chuẩn bị nội dung, nhiệm vụ theo lĩnh vực quản lý để báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo.
Trong đó, các nhóm nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Đổi mới thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; Chuyển đổi năng lượng và công nghiệp; Hạ tầng xây dựng và giao thông; Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; Tài nguyên và môi trường; Thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức; An sinh xã hội, chuyển đổi công bằng; Ngoại giao khí hậu.
Cùng với đó, trong năm 2022, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm, giao các Cục, Tổng cục theo chức năng nhiệm vụ cần nghiên cứu kỹ và đề xuất các nhu cầu phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, không chỉ phục vụ cho cuộc họp với chủ tịch COP mà còn đưa ra cho các đối tác quốc tế khác.
Trong chuyển đổi năng lượng, cần chú trọng những vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất tại các dự án năng lượng tái tạo, đánh giá tác động môi trường, đa dạng sinh học biển, vấn đề giao biển cho các dự án điện gió ngoài khơi, xử lý pin mặt trời sau khi hết thời gian sử dụng…
Về giảm phát thải nói chung, cần tập trung vào giảm phát thải khí metan, phát triển rừng, phát triển ô tô điện. Bên cạnh đó còn có vấn đề kiểm đếm nước xuyên biên giới; giao đất, giao rừng cho các công trình thủy điện, thủy lợi; xử lý rác thải kết hợp với thu hồi năng lượng…
Việt Nam chưa thể tiếp cận với nhiều nguồn quỹ
Thực tế cho thấy, sau hội nghị COP26, các đối tác phát triển đã gửi thư tới Thủ tướng Chính phủ đề cập đến những cơ hội hợp tác và tiếp cận nguồn lực tài chính quốc tế. Cụ thể, 450 tổ chức tài chính quản lý khối tài sản tương đương 130 nghìn tỷ USD đã cam kết với Liên minh tài chính Glasgow đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam.
Mặt khác, Ngân hàng HSBC cũng đã cam kết chi gói 12 tỷ USD để tham gia hỗ trợ Việt Nam cho các mục tiêu về khia hậu vào tháng 1/2022.
Tuy nhiên, ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho rằng, thời gian qua, Việt Nam còn chưa tiếp cận nhiều nguồn vốn từ các quỹ môi trường, khí hậu toàn cầu.
Hiện nay, Bộ TN&MT đang là cơ quan đầu mối thực thi Thỏa thuận Paris và các kết quả COP 26. Do đó, có thể kiện toàn thành cơ quan đầu mối nắm bắt nhu cầu trong nước để điều phối, đề xuất hợp tác với các quỹ này, thậm chí là liên hệ với các quỹ tín dụng, ngân hàng quốc tế.
Từ đó, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các đơn vị cần nghiên cứu rà soát, sửa đổi, rút gọn quy trình thủ tục, làm sao giảm bớt những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đối tác quốc tế trong các dự án biến đổi khí hậu. Cần chủ động đưa ra nhu cầu của Việt Nam trong các cuộc họp họp cuộc tế, các hội nhóm đa phương mà Việt Nam tham gia.
Bên cạnh đó, Cục Biến đổi khí hậu cũng cần đẩy nhanh tiến độ cập nhật NDC, làm cơ sở để các Bộ, ngành triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP 26.