Việt Nam có 11,85 triệu ha đất ngập nước
Việt Nam có 11,85 triệu ha đất ngập nước, chiếm 37% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước. Tây Nguyên là vùng có diện tích đất ngập nước nhỏ nhất, chỉ chiếm 3%, lớn nhất là Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 49%.
Ngày Đất ngập nước thế giới (2.2) năm 2025 có chủ đề: "Bảo vệ đất ngập nước vì tương lai của chúng ta". Các hoạt động hướng đến mục tiêu nhấn mạnh sự chung tay góp sức của cộng đồng bảo vệ các hệ sinh thái đất ngập nước để tất cả mọi người có thể tiếp tục hưởng lợi từ các dịch vụ mà đất ngập nước cung cấp.
Đất ngập nước có vai trò quan trọng đối với con người và thiên nhiên bởi nó có thể lọc các chất độc hại; lưu trữ carbon giúp chống lại tác động của biến đổi khí hậu; giảm thiểu các tác động tiêu cực trong điều kiện thời tiết cực đoan; lưu trữ nước mưa, nước chảy tràn khi bão giúp giảm lũ lụt và hỗ trợ nước khi hạn hán; là môi trường sống của hơn 100 nghìn loài sinh vật; nguồn cung cấp thức ăn và tạo nguồn sinh kế cho con người.
Vùng đất ngập nước đang cung cấp gạo cho 3,5 tỷ người trên thế giới, hơn một tỷ người sinh sống dựa vào các vùng đất ngập nước và có tới 40% loài sinh vật sống hoặc dựa vào những vùng đất ngập nước.
Theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tổng diện tích đất ngập nước của Việt Nam khoảng 11,85 triệu ha, chiếm 37% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước.
Tây Nguyên là vùng có diện tích đất ngập nước nhỏ nhất, chỉ chiếm 3%, lớn nhất là Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 49%.
Đất ngập nước ở Việt Nam được phân thành 2 nhóm với 26 kiểu, gồm đất ngập nước nhân tạo, tự nhiên (nội địa và ven biển). Đất ngập nước nhân tạo chiếm tỷ lệ lớn nhất, tới 72% tổng diện tích đất ngập nước, trong đó riêng đất trồng lúa chiếm 67%, đất ngập nước ven biển 18%, còn lại 10% là đất ngập nước nội địa.
Các dòng sông tạo nên vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn và phì nhiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp như Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long. Các vùng đất ngập nước ven biển cung cấp nguồn lợi thủy sản cho nhiều cộng đồng dân cư từ nhiều đời nay.
Cùng với giá trị kinh tế không nhỏ, các hệ sinh thái đất ngập nước còn có vai trò điều hòa môi trường, hỗ trợ chống lại các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; là nguồn cội của nhiều giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời trong cộng đồng dân cư.
Sau 36 năm tham gia Công ước về các vùng đất ngập nước (Công ước Ramsar), Việt Nam đã có 9 khu bảo tồn được công nhận là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) với tổng diện tích hơn 120 nghìn ha bao gồm: 7 vườn quốc gia (Xuân Thủy, Nam Định; Ba Bể, Bắc Kạn; Bầu Sấu - Cát Tiên, Đồng Nai; Tràm Chim, Đồng Tháp; Mũi Cà Mau, Cà Mau; Côn Đảo, Bà Rịa-Vũng Tàu; U Minh Thượng, Kiên Giang) và 2 Khu bảo tồn thiên nhiên (Láng Sen, Long An và Vân Long, Ninh Bình).
Đến nay, 23 tỉnh, thành phố đã có quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và xác định rõ nhiều vùng đất ngập nước quan trọng cần được bảo vệ, quản lý dưới hình thức khu bảo tồn. Tổng cộng có 47 khu đất ngập nước quan trọng được đưa vào Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8.1.2014.