Việt Nam có 5 sản phẩm giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD trong năm 2023
Việt Nam hiện có 5 sản phẩm xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: gạo, cà phê, điều, rau quả, cao su.
Theo đó, thông tin tại hội nghị tổng kết năm 2023 của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), năm 2023, trồng trọt tiếp tục khẳng định là lĩnh vực sản xuất chủ lực của ngành nông nghiệp, đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng quốc gia, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo... Tỷ trọng trồng trọt đạt 45,6% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (năm 2022 là 44,5%).
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất trồng trọt năm 2023 đạt 3%. Giá trị sản xuất (cây hàng năm và lâu năm) chiếm 63% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp (năm 2022 là 62%).
Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản ước đạt 27 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2022 (chiếm trên 50% giá trị xuất khẩu toàn ngành). Trong đó, 5 sản phẩm xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm gạo, cà phê, điều, rau quả, cao su.
Thông tin từ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hoàng Trung cho biết, những thành tựu mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2023 có sự đóng góp quan trọng của lĩnh vực trồng trọt. Minh chứng là sản lượng lúa gạo ước đạt hơn 43 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu hơn 4,7 tỷ USD. Sản lượng các loại cây ăn quả chính khoảng 13 triệu tấn. Xuất khẩu rau quả gần 5,7 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 4,2 tỷ USD, điều 3,6 tỷ USD…
Cục Trồng trọt đã kịp thời tham mưu cho Bộ NN&PTNT ban hành, chỉ đạo triển khai kế hoạch sản xuất các vụ trong năm; phối hợp với các đơn vị liên quan bám sát hoạt động sản xuất. Nhờ đó, tất cả các vụ sản xuất lúa chính, cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, rau màu trong năm đều thu được những kết quả rất khả quan. Bên cạnh đó, việc quản lý đất trong nông nghiệp đạt hiệu quả khi chuyển đổi được 115.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn…
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Thứ trưởng Hoàng Trung cũng chỉ ra những điểm hạn chế của Cục Trồng trọt như việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam còn chậm. Trong hơn 2 năm thực thi Luật Trồng trọt, Cục đã công nhận được gần 8.000 giống cây trồng, trong đó có hơn 7.000 giống tự công bố. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ, chưa đảm bảo kịp những yêu cầu mà sản xuất đặt ra. Ngoài ra, hoạt động hợp tác quốc tế, truyền thông cũng gặp những hạn chế.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu Cục Trồng trọt với vai trò là một trong những đơn vị quan trọng của ngành nông nghiệp, trong năm 2024 cần tập trung sửa đổi Luật Trồng trọt và Nghị định 94/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Trồng trọt trong thời gian nhanh nhất nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, viện, trường, tổ chức, cá nhân hoạt động.
Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam cho các loại cây trồng chính. Tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lực phát triển trồng trọt. Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh, kiểm tra, nhất là chất lượng giống cây trồng để đảm bảo hoạt động sản xuất diễn ra trong điều kiện thuận lợi nhất.