'Việt Nam có đủ tiềm năng để hướng tới xã hội không tiền mặt'
Đó là nhận định của bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard Việt Nam, Campuchia và Lào trong cuộc trao đổi với Đặc san Ngân hàng.
Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard Việt Nam, Campuchia và Lào
Việc sử dụng các hình thức thanh toán số đang ngày càng trở nên phổ biến. Theo bà, việc sử dụng các hình thức này tại Việt Nam có gì khác biệt so với các khu vực khác trên thế giới và xu hướng thanh toán số trong tương lai sẽ như thế nào?
Người tiêu dùng Việt Nam đang dành nhiều sự quan tâm tới các công nghệ thanh toán điện tử, đặc biệt là các hình thức thanh toán trực tuyến. Theo báo cáo Chỉ số thanh toán mới của Mastercard năm 2022, 94% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ít nhất một phương thức thanh toán điện tử trong năm qua, cao hơn so với mức trung bình 88% trong khu vực.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang gia tăng tần suất sử dụng các công cụ số để quản lý tài chính cá nhân. Trong đó, 89% người tiêu dùng đã sử dụng các phương thức điện tử cho ít nhất một hoạt động tài chính trong năm qua, từ việc thanh toán hóa đơn cho tới thực hiện giao dịch ngân hàng hay mở tài khoản tiết kiệm.
Điều này cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam giờ đây không chỉ cảm thấy thoải mái hơn khi thanh toán điện tử, mà còn tin tưởng vào các phương thức quản lý tài chính phức tạp hơn.
Nhìn chung, những xu hướng này cho thấy các công nghệ thanh toán mới ở Việt Nam đang trên đà phát triển và người tiêu dùng gia tăng nhu cầu đối với các trải nghiệm kỹ thuật số mới mẻ, nhanh chóng và linh hoạt. Chính họ đang thúc đẩy làn sóng thay đổi này, sẵn sàng áp dụng các công nghệ mới, đón nhận các giải pháp sáng tạo góp phần nâng cao đời sống tài chính cho bản thân.
Với sự đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ vào cơ sở hạ tầng và các chương trình thúc đẩy thói quen thanh toán điện tử và xã hội không tiền mặt, cùng sự nhanh nhạy nắm bắt cơ hội của các doanh nghiệp, bất kể quy mô, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự phát triển và tốc độ ứng dụng nhanh các hình thức thanh toán điện tử tại Việt Nam trong những năm tới.
Ngày càng có nhiều người áp dụng phương thức thanh toán số, nhưng Việt Nam cần làm gì để duy trì đà phát triển này?
Trong quá trình hướng đến xã hội không tiền mặt, có một số yếu tố mà Việt Nam cần chú trọng để duy trì đà tăng trưởng của hình thức thanh toán điện tử.
Yếu tố quan trọng đầu tiên là nâng cao hiểu biết của người dân về tài chính, bao gồm những lợi ích của thanh toán điện tử, hay cách sử dụng an toàn và hiệu quả. Các thông tin cần đảm bảo tiếp cận được tới tất cả các nhóm đối tượng, bao gồm cả những hộ gia đình thu nhập thấp và người dân vùng sâu, vùng xa, để không ai bị bỏ lại phía sau, từ đó từng bước xóa bỏ những lo ngại về bảo mật và thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
Yếu tố thứ hai là tăng cường khả năng tiếp cận các phương thức thanh toán điện tử, để gia tăng quy mô ứng dụng thanh toán điện tử. Để làm được điều này, cần mở rộng mạng lưới các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán số, đồng thời khuyến khích cạnh tranh để mang đến các dịch vụ chất lượng tốt hơn và chi phí hợp lý hơn.
Cuối cùng, những quan ngại về tính bảo mật vẫn là một thách thức lớn trong ứng dụng thanh toán điện tử. Để giải quyết vấn đề này, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan. Các ngân hàng, đơn vị kinh doanh và đối tác cần hợp tác để xây dựng một hệ sinh thái thanh toán số liền mạch và có tính tương tác cao, giúp giải quyết những thách thức hiện tại trong lĩnh vực thanh toán.
Với cam kết hướng đến “thế giới không tiền mặt”, Mastercard đã và đang hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các đối tác công và tư nhằm thúc đẩy tài chính và kinh tế toàn diện tại Việt Nam. Thông qua các giải pháp thanh toán sáng tạo, các chương trình đào tạo và hợp tác với các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô, chúng tôi mong muốn đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thanh toán số ở doanh nghiệp, hỗ trợ họ xây dựng các chiến lược thanh toán mới nhằm tiếp cận người tiêu dùng.
Việt Nam có đủ tiềm năng để hướng tới xã hội không tiền mặt và Mastercard cam kết sẽ tận dụng mọi nguồn lực, các giải pháp đổi mới sáng tạo và chuyên môn để hỗ trợ Việt Nam phát triển một hệ sinh thái thanh toán điện tử liền mạch và hiệu quả.
Khi thanh toán số ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam, cần đảm bảo tất cả các bên liên quan thuộc hệ sinh thái này được bảo vệ trong suốt quá trình thực hiện giao dịch trên các nền tảng số. Nắm bắt được nhu cầu này, Mastercard hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong nước và quốc tế phát triển những giải pháp an ninh mạng tiên tiến nhất.
Mastercard hiện áp dụng công nghệ tiếp cận nhiều lớp, phát hiện, xác minh danh tính và ngăn chặn rủi ro nhằm đảm bảo an toàn cho hàng tỷ giao dịch trong mạng lưới thanh toán toàn cầu.
Tại khu vực Đông Nam Á, Mastercard cung cấp nhiều giải pháp, tiêu biểu như Decision Intelligence, một giải pháp phát hiện lừa đảo dựa trên trí tuệ nhân tạo, giúp các tổ chức tài chính cải thiện quá trình phê duyệt mua hàng; NuDetect, giải pháp sử dụng học máy để phân tích sinh trắc học thụ động, ngăn chặn các hình thức lừa đảo thanh toán trực tuyến mà không làm gián đoạn giao dịch; RiskRecon, một công cụ đánh giá rủi ro an ninh mạng tự động dành cho doanh nghiệp…
Chúng tôi vừa công bố quan hệ đối tác chiến lược với Vesta, công ty chuyên về chứng nhận giao dịch toàn cầu, cho phép doanh nghiệp phát hiện các giao dịch lừa đảo trực tuyến, xác nhận các giao dịch đáng tin cậy và phát triển hoạt động kinh doanh.
Mastercard không ngừng phát triển để đảm bảo người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể thực hiện các giao dịch một cách an toàn và thuận tiện.
Các công ty công nghệ tài chính và các tổ chức tài chính truyền thống đang cạnh tranh trong lĩnh vực thanh toán số tại Việt Nam. Điều gì khiến Mastercard khác biệt so với đối thủ cạnh tranh và sự khác biệt đó mang lại lợi thế gì trên thị trường?
Tại Việt Nam, các tổ chức tài chính truyền thống như ngân hàng từ lâu đã chiếm ưu thế trên thị trường nhờ có lượng khách hàng lâu năm và quy mô cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các công ty công nghệ tài chính đang tận dụng lợi thế công nghệ kỹ thuật số để mở rộng thị phần, thông qua việc cung cấp những trải nghiệm mới nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Môi trường kinh doanh mới đầy tính cạnh tranh trong lĩnh vực thanh toán là động lực cần thiết để các công ty như Mastercard liên tục đổi mới và cải thiện dịch vụ. Nhưng đồng thời, chúng tôi tự tin vào những thành tựu đã đạt được, cũng như tầm nhìn và cam kết đã đặt ra như kim chỉ nam đưa chúng tôi tiến về phía trước.
Mastercard là công ty công nghệ thanh toán toàn cầu. Chúng tôi tự hào xây dựng quan hệ đối tác bền vững trên thị trường với nhiều tổ chức tài chính, tập đoàn lớn, doanh nghiệp, chính phủ các nước và người tiêu dùng.
Mô hình hệ sinh thái của Mastercard mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan, từ người tiêu dùng, chính phủ, doanh nghiệp cho đến các công ty công nghệ tài chính.
Quan hệ đối tác là trọng tâm và yếu tố cốt lõi giúp Mastercard mở rộng quy mô và thực hiện cam kết của mình trên thị trường. Thông qua việc hợp tác với các chính phủ, ngân hàng và công ty công nghệ tài chính, Mastercard đang tạo dựng cơ sở hạ tầng vững mạnh và một môi trường thanh toán sôi động, tối đa hóa tốc độ, tính bảo mật và khả năng tiếp cận tài chính số.
Không dừng lại ở lĩnh vực thanh toán, Mastercard đang mở rộng việc cung cấp các giải pháp toàn diện cho khách hàng. Chúng tôi khai thác sức mạnh của dữ liệu tổng hợp và ẩn danh, cũng như những nền tảng phần mềm mạnh mẽ để cung cấp thông tin nghiên cứu sâu trong mọi lĩnh vực, giúp các doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định kinh doanh thông minh và hiệu quả hơn.
Mới đây, Mastercard ra mắt Element - bộ ứng dụng và tiện ích mở rộng độc quyền được tích hợp vào hệ điều hành Experience OS của Dynamic Yield. Các mô hình dự đoán độc quyền của Mastercard và thông tin tổng hợp nghiên cứu sâu về xu hướng và hành vi chi tiêu của người tiêu dùng giúp doanh nghiệp tăng cường trải nghiệm cá nhân hóa cho khách hàng trên các kênh kỹ thuật số.