Việt Nam có hơn 19.000 triệu phú USD, tăng nhanh nhất thế giới

Việt Nam có 19.400 triệu phú USD tính đến cuối 2023. Tốc độ tăng triệu phú USD của Việt Nam nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2013-2023. Dự báo số triệu phú của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong thập kỷ tới.

Số liệu vừa được cập nhập trong báo cáo của Công ty New World Wealth (Nam Phi) và hãng cố vấn di cư đầu tư Henley & Partners (Thụy Sĩ).

Cụ thể, tốc độ tăng số triệu phú USD của Việt Nam tăng 98% trong giai đoạn 2013-2023, đứng đầu thế giới. Xếp sau là Trung Quốc với tốc độ tăng 92%, Mauritius với 87%, Ấn Độ 85%, UAE 77%, Singapore 64%, Mỹ 62%, Hàn Quốc 28%...

Về con số tuyệt đối, tính tới cuối năm 2023, Việt Nam có 19.400 triệu phú, tăng 98% trong 10 năm qua. Trong đó, có 58 người có tài sản hơn 100 triệu USD. Tổng cộng có 6 tỷ phú USD.

Mỹ dẫn đầu thế giới với gần 5,5 triệu triệu phú USD. Trung Quốc xếp thứ 2 với 862.400 triệu phú. Đức có 806.100 triệu phú. Nhật có 754.800 người. Anh có 602.500 người…

Một số nước ghi nhận số lượng triệu phú USD giảm trong thập kỷ qua có Anh, Nigeria và Nam Phi… Anh trải qua những bất ổn hậu Brexit, trong khi một số nước châu Phi chứng kiến tình trạng dân di cư và bất ổn kinh tế…

Với Việt Nam, New World Wealth có những đánh giá tích cực. Không chỉ có tốc độ tăng số triệu phú USD nhanh nhất thế giới trong thập kỷ qua, tổ chức có trụ sở tại Nam Phi (chuyên theo dõi sự thay đổi và thói quen chi tiêu của những người giàu nhất thế giới) hồi cuối tháng 2 vừa qua, đưa ra dự báo Việt Nam sẽ chứng kiến mức tăng trưởng tài sản nhanh nhất thế giới trong thập kỷ tới, với mức tăng 125%.

Việt Nam có tốc độ tăng số lượng triệu phú USD nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2013-2023. Nguồn: NWW

Điều này cũng đồng nghĩa Việt Nam sẽ có khoảng 43.650 triệu phú USD vào năm 2034.

Theo New World Wealth và Henley & Partners, Việt Nam đang củng cố vị thế là trung tâm sản xuất toàn cầu và là điểm đến cho các công ty công nghệ, ô tô, điện tử, quần áo và dệt may đa quốc gia.

Trước đó, báo cáo của McKinsey cho rằng, Việt Nam có vị trí chiến lược giúp phát triển kinh tế nhanh. Đó là có chung đường biên giới đất liền với Trung Quốc và gần các tuyến đường hàng hải lớn… Việt Nam cũng được xem là quốc gia có chi phí lao động còn thấp, trong khi đó chính phủ đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, qua đó biến Việt Nam thành một "điểm đến hàng đầu" (Prime Destination) cho dòng vốn đầu tư FDI.

Trong thập kỷ tới, Ấn Độ cũng được dự báo tăng trưởng mạnh, nhưng tăng trưởng tài sản ước tính đạt 110%, thấp hơn của Việt Nam.

6 tỷ phú USD, 752 siêu giàu

Trước đó, hồi giữa tháng 3, theo thống kê của Knight Frank cho thấy, Việt Nam có 752 người siêu giàu. Đây là những người có khối tài sản từ 30 triệu USD trở lên (khoảng 765 tỷ đồng).

Cũng theo Knight Frank, từ 2023-2028, tốc độ gia tăng người siêu giàu tại Việt Nam được dự báo nhanh hàng đầu thế giới, đứng thứ 5 tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương (với mức tăng 30%), chỉ xếp sau Ấn Độ (+50,1%), Trung Quốc (+47%), Thổ Nhĩ Kỳ (+42,9%), Malaysia (+34,6%). Tốc độ gia tăng người siêu giàu của Việt Nam được dự báo cao hơn Hàn Quốc, Hong Kong (TQ), Singapore.

Theo Knight Frank, tới năm 2028, Việt Nam sẽ có 978 người siêu giàu.

Danh sách người siêu giàu Việt không được Knight Frank công bố. Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, có khoảng 180 doanh nhân và người liên quan có tài sản quy từ cổ phiếu có giá trị trên 30 triệu USD, trong đó có 6 tỷ phú USD.

Theo Forbes, tính đến ngày 13/3 trong danh sách tỷ phú USD thế giới, Việt Nam có 6 đại diện, với tổng giá trị tài sản đạt 14 tỷ USD. Ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC) đứng đầu danh sách.

Số lượng triệu phú USD của các nước.

Tính tới 9/7, ông Phạm Nhật Vượng có khối tài sản 4,1 tỷ USD (giảm so với mức 4,3 tỷ USD hồi tháng 4). Chủ tịch VietJet Air (VJC) Nguyễn Thị Phương Thảo ở vị trí số 2 với 2,8 tỷ USD. Chủ tịch Hòa Phát (HPG) Trần Đình Long đứng ở vị trí số 3 với 2,6 tỷ USD. Chủ tịch Techcombank (TCB) Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan (MSN) Nguyễn Đăng Quang lần lượt ở các vị trí tiếp theo với 1,8 tỷ USD, 1,2 tỷ USD và 1,1 tỷ USD.

Những người siêu giàu trên sàn chứng khoán gồm: bà Phạm Thu Hương (vợ ông Phạm Nhật Vượng), bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Trần Đình Long); bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (vợ ông Hồ Hùng Anh); bà Nguyễn Hoàng Yến (vợ ông Nguyễn Đăng Quang); ông Đỗ Anh Tuấn (Sunshine); Hồ Xuân Năng (Vicostone); ông Trương Gia Bình (FPT); ông Ngô Chí Dũng (VPBank); bà Trương Thị Lệ Khanh (Thủy sản Vĩnh Hoàn)…

Tại Việt Nam có rất nhiều doanh nhân nổi tiếng và được xem là siêu giàu, thậm chí là tỷ phú USD nhưng không nằm trong bảng xếp hạng nào như: bà Nguyễn Thị Nga (BRG,) ông Vũ Văn Tiền (Geleximco), chúa đảo Đào Hồng Tuyển, ông vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn…

Mạnh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/viet-nam-co-hon-19-000-trieu-phu-usd-tang-nhanh-nhat-the-gioi-2300314.html