Việt Nam có lợi ra sao khi lập sàn giao dịch 'vàng trắng'?

Cao su được mệnh danh là vàng trắng của Việt Nam, sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn nếu có sàn giao dịch hàng hóa.

Mới đây, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) cùng phối hợp tổ chức Hội nghị Giới thiệu và lấy ý kiến sàn giao dịch cao su.

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) cho biết, VRG là doanh nghiệp nhà nước và hiện quản lý khoảng 400.000 héc ta cao su, trải dài 34 tỉnh thành cả nước và Lào, Campuchia.

Năm 2024, VRG dự báo khai thác được sản lượng mủ cao su khoảng 470.000 tấn, thu mua khoảng 80.000 tấn.

Tuy nhiên, dù chiếm đến 40% sản lượng khai thác mủ cao su của cả nước nhưng VRG hiện vẫn giao dịch sản phẩm cao su theo hình thức mua bán trực tiếp (spot).

 Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) cho biết, VRG hiện quản lý khoảng 400.000 héc ta cao su và dự báo khai thác 470.000 tấn mủ cao su trong năm 2024.

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) cho biết, VRG hiện quản lý khoảng 400.000 héc ta cao su và dự báo khai thác 470.000 tấn mủ cao su trong năm 2024.

"Giá bán mủ cao su vẫn phải tham chiếu giá của các sàn quốc tế. Trong khi đó, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia và Indonesia có sàn giao dịch cao su của riêng mình, nên dễ dàng mua bán cao su thông qua nhiều hình thức như niêm yết, đấu giá, trực tuyến. Nhờ đó, giá bán mủ cao su luôn công khai và dễ tham khảo" - ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, thời gian đầu VRG sẽ cùng với MXV, và ngân hàng nghiên cứu, giới thiệu sàn giao dịch cao su đến các đơn vị thành viên VRG và đối tác trong và ngoài nước. Mục tiêu giao dịch sản phẩm cao su theo đúng nhu cầu và giá niêm yết.

 Sàn giao dịch cao su sẽ giúp Việt Nam chủ động trong việc niêm yết giá cao su. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Sàn giao dịch cao su sẽ giúp Việt Nam chủ động trong việc niêm yết giá cao su. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng giám đốc MXV cho biết, sàn giao dịch sẽ hoạt động theo phương thức giao dịch chào giá và giao dịch thỏa thuận, dưới hình thức hợp đồng giao ngay và hợp đồng kỳ hạn.

Sản phẩm cao su sẽ được mã hóa theo chủng loại và doanh nghiệp sản xuất. Các sản phẩm này sẽ được niêm yết giao dịch dựa trên cơ sở hạ tầng của MXV.

 Sàn giao dịch cao su sẽ giúp người nông dân trồng cao su có thu nhập ổn định hơn. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Sàn giao dịch cao su sẽ giúp người nông dân trồng cao su có thu nhập ổn định hơn. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Theo các chuyên gia, sàn giao dịch cao su sẽ giúp Việt Nam chủ động trong việc niêm yết giá cao su, thay vì phụ thuộc vào các sàn giao dịch nước ngoài.

Việc niêm yết giá cao su trên sàn giao dịch trong nước sẽ giúp thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường, qua đó tăng thanh khoản cho thị trường cao su Việt Nam.

Sàn giao dịch cao su cũng sẽ giúp Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc đàm phán giá cao su trên thị trường quốc tế. Qua đó, giúp phát triển các sản phẩm phái sinh từ cao su, quản lý rủi ro giá cao su cho người nông dân và doanh nghiệp, cũng như góp phần thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/viet-nam-co-loi-ra-sao-khi-lap-san-giao-dich-vang-trang-post798050.html