Việt Nam có nhiều ưu thế để thu hút FDI

Ngày 23/8, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp cùng Liên đoàn doanh nghiệp (DN) Singapore và ngân hàng UOB tại Việt Nam tổ chức 'Chương trình giới thiệu môi trường đầu tư tại TP Hồ Chí Minh và kết nối giao thương giữa DN Singapore và DN Việt Nam'.

Singapore là một trong những quốc gia có diện tích nhỏ nhất thế giới và trong khu vực Đông Nam Á nhưng nền kinh tế của Singapore lại có tốc độ tăng trưởng và phát triển bậc nhất châu Á, được mệnh danh là một trong 4 con rồng của châu Á.

Doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam. Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam. Ảnh minh họa.

Bà Cao Thị Phi Vân – Phó Giám đốc ITPC cho biết, Singapore hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 và là nước đầu tư lớn thứ 2 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 66 tỷ USD. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, Singapore là quốc gia có tổng vốn đầu tư lớn nhất trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư, kinh doanh tại thành phố, với hơn 1.557 dự án được triển khai, tổng mức đầu tư gần 13,6 tỷ USD.

Để DN, nhà đầu tư Singapore hiểu rõ hơn về môi trường, chính sách mời gọi đầu tư của TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Quốc Vinh – Trưởng phòng Xúc tiến đầu tư ITPC thông tin: Với vị thế trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TP Hồ Chí Minh và 7 tỉnh), TP Hồ Chí Minh có đầy đủ mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không hiện đại.

Đồng thời, cùng với các địa phương lận cận đã và đang khẩn trương triển khai xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông, là đòn bẩy để TP Hồ Chí Minh kết nối tốt hơn trục hành lang trong khu vực và quốc tế. Về hạ tầng phát triển công nghiệp, hiện TP Hồ Chí Minh có 17 khu công nghiệp và 2 khu chế xuất đi vào hoạt động với tổng quy mô diện tích khoảng 4.000 ha. Khu Công nghệ cao với quy mô khoảng 913 ha, đã thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 5,4 tỷ USD với nhiều DN uy tín toàn cầu như Intel, Samsung, Nidec...

Về hạ tầng phát triển thương mại, hệ thống phân phối hàng hóa hiện đại của thành phố tiếp tục được các DN đầu tư mở rộng không ngừng, đặc biệt là các trung tâm logistic lớn của các tập đoàn đa quốc gia đã và đang được đầu tư để hướng đến hình thành trung tâm phân phối hàng hóa lớn cho cả vùng Đông Nam bộ và khu vực các tỉnh lân cận.

Đối với đầu tư FDI, trong 7 tháng đầu năm 2022, TP Hồ Chí Minh đã cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 373 dự án. Lũy kế từ năm 1988 đến nay, thành phố có hơn 10.832 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới, tăng vốn là 55,41 tỷ USD. TP Hồ Chí Minh đang dẫn đầu cả nước về số dự án FDI còn hiệu lực. Hiện, TP Hồ Chí Minh tiếp tục mời gọi đầu tư 197 dự án thuộc nhiều lĩnh vực như: Hạ tầng giao thông, chỉnh trang đô thị, xử lý môi trường, chống ngập, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch…

Thành phố ưu tiên thu hút các nhà đầu tư từ các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, có sử dụng công nghệ cao, có thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển; các nhà đầu tư về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng; ngành kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ngành công nghệ thông tin; ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…

“Với lợi thế là chính trị ổn định, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng và minh bạch, dân số đông, kinh tế tăng trưởng tốt, lao động có tay nghề... là những yếu tố giúp cho Việt Nam giữ vững lợi thế thu hút nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt các nhà đầu tư, DN đến từ Singapore”, bà Cao Thị Phi Vân khẳng định.

Thúy Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/viet-nam-co-nhieu-uu-the-de-thu-hut-fdi-i665064/