Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025

Với những động lực tăng trưởng trong nước và thế giới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP từ 7,5 - 8% trong năm 2025.

Tăng trưởng GDP năm 2024 dự báo vượt mục tiêu

Chia sẻ tại Tọa đàm Đối thoại chính sách kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025 được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Tạp chí Kinh tế tổ chức vào sáng 3/1, các chuyên gia kinh tế dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt trên 7%.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 dự báo đạt 7,5 - 8%. Ảnh: NH

Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 dự báo đạt 7,5 - 8%. Ảnh: NH

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, tăng trưởng GDP năm 2024 dự báo vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm với mức tăng trưởng từ 6-6,5%.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 được hỗ trợ bởi kinh tế thế giới và trong nước. Về kinh tế thế giới, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, tăng trưởng của Hoa Kỳ dự báo đạt 2,8% với sự phục hồi tiêu dùng cá nhân. Trong khi đó, khu vực Liên minh châu Âu (EU) dự báo đạt mức tăng trưởng 0,8%, sự phục hồi thu nhập hộ gia đình, thị trường lao động ổn định và chính sách nới lỏng tiền tệ sau đại dịch Covid-19. Trong khi đó, tăng trưởng Trung Quốc đặt mục tiêu 5%, nhưng dự báo đạt 4,8%. Tuy nhiên, đây cũng là mức tăng trưởng khá tích cực.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 cũng được hỗ trợ bởi lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế giảm nhanh nhờ các chính sách thắt chặt tiền tệ, giá năng lượng thấp và áp lực chuỗi cung ứng giảm khiến lạm phát toàn cầu đã giảm và ổn định. Cùng với đó, thương mại toàn cầu dự kiến chạm mức cao nhất từ trước tới nay, đạt gần 33 nghìn tỷ USD vào năm 2024, tăng thêm 1 nghìn tỷ USD so với năm 2023.

“Đầu tư quốc tế đang phục hồi, dòng vốn FDI đã tăng 31% trong nửa đầu năm 2024 so với cùng kỳ 2023 và tăng 8% so với nửa cuối năm 2023” – TS Nguyễn Quốc Việt thông tin.

Cũng theo TS. Nguyễn Quốc Việt, tại Việt Nam, năm 2024, động lực trong xuất khẩu vẫn duy trì đà tăng trưởng, 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tăng 14,4%, nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại thặng dư 24,31 tỷ USD. Bên cạnh đó, thu hút FDI vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

“Tính đến ngày 30/11/2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng vốn thực hiện đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1%, đánh dấu mức tăng cao nhất trong 5 năm qua” - TS. Nguyễn Quốc Việt thông tin và cho rằng, năm 2024 cũng chứng kiến đầu tư tư nhân dần tăng trưởng trở lại. 9 tháng năm 2024, đầu tư tư nhân tăng 7,1%, điều này phản ánh niềm tin ngày càng tăng của doanh nghiệp trong nước.

Thu hút FDI được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024. Ảnh: Thu Hằng

Thu hút FDI được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024. Ảnh: Thu Hằng

Dự báo tăng trưởng GDP đạt 7,5 - 8% trong năm 2025

Phát biểu tại Tọa đàm, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 có thể đạt mức 7,5 - 8%.

Chia sẻ về động lực tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, các động lực tăng trưởng về đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư đều đang duy trì đà phát triển…

Tuy nhiên, bên cạnh những động lực, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với những thách thức từ bên trong và bên ngoài. Về những thách thức bên ngoài, theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh chính sách bảo hộ thương mại của các nước trên thế giới đang gia tăng, Việt Nam còn đối mặt với thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và chính sách mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump…

Thách thức về nội tại nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn do chi phí đầu vào còn cao, đơn hàng không phục hồi đồng đều và thiếu bền vững, thiếu lao động, năng suất thấp, yêu cầu số hóa và xanh hóa ngày càng cao. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, và không đồng đều. Rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn và thị trường bất động sản phục hồi chậm, giá bất động sản cao. Hướng dẫn các luật mới và xây dựng thể chế cho các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi năng lượng còn chậm…

Để đạt được mức tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2025 và tăng trưởng cao hơn vào những năm tới, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào 6 giải pháp, bao gồm: Thứ nhất, ổn định vĩ mô gắn với phục hồi tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ hơn. Thứ hai, cải cách và tinh gọn bộ máy nhà nước hướng tới hệ thống thể chế và quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi để giảm rủi ro kinh doanh và chi phí tuân thủ. Thứ ba, thúc đẩy động lực phát triển bền vững của nền kinh tế dựa trên các mô hình tăng trưởng mới và gắn với xu hướng thương mại - đầu tư toàn cầu. Thứ tư, với những rủi ro ngắn hạn, đảm bảo dư địa chính sách điều chỉnh kinh tế vĩ mô để hỗ trợ hoạt động kinh tế trong nước và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Thứ năm, trong trung hạn, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao trình độ và kỹ năng cho lực lượng lao động và phát triển khoa học công nghệ nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh doanh sáng tạo và bền vững. Thứ sáu, trong dài hạn, xây dựng chiến lược và thực hiện các chính sách phát triển có mục tiêu, có trọng tâm, trọng điểm đồng thời đảm bảo việc giải ngân đầu tư công một cách có hiệu quả.

Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao vào năm 2025 và những năm tiếp theo, một trong những giải pháp Việt Nam cần thực hiện ngay đó là tập trung giải quyết điểm nghẽn về thể chế, bởi đây chính là “nút thắt” quan trọng đang khiến Việt Nam giảm sức hấp dẫn về môi trường đầu tư và chưa tạo được không gian, động lực phát triển cho khu vực doanh nghiệp.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-co-the-dat-tang-truong-gdp-8-vao-nam-2025-367723.html