Việt Nam có thể đứng đầu ASEAN về tăng trưởng GDP năm 2022
Việt Nam và Philippines nằm trong số các nước được dự báo tăng trưởng cao nhất trong ASEAN-6. Đây là thông tin mới được đưa ra trong báo cáo bổ sung Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2022 của Ngân hàng phát triển châu Á ADB.
Không chỉ ADB mà nhiều tổ chức quốc tế đều lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022. Và nhiều dự báo cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 có thể đứng đầu khu vực.
TBADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho Việt Nam ở mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, như công bố hồi tháng 4/2022.
Ông ANDREW JEFFERRIES - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á ADB tại Việt Nam: “ADB cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 này vẫn rất khả quan, nhờ có nhiều động lực đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế, có thể kể đến ngành sản xuất, nông nghiệp và du lịch. Trong đó, chương trình phục hồi kinh tế mà Quốc hội và chính phủ đã thông qua từ đầu năm nay được cho là sẽ đóng góp lớn cho quá trình phục hồi kinh tế.”
Còn Ngân hàng Standard Chartered nhận định, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu lan tỏa, khi các chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục phục hồi trong nửa đầu năm nay.
Ông PATRICK LEE - TGĐ khu vực ASEAN, Ngân hàng Standard Chartered: “Chúng tôi lạc quan về tăng trưởng của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng vì nhiều lý do, như sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, và minh chứng là dòng vốn FDI vẫn duy trì xu hướng tăng đều qua các năm. Cùng với đó là những lợi thế từ dân số trẻ, tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh mẽ, yêu tố sẽ thúc đẩy tiêu dùng. Chúng tôi cho rằng, Việt Nam sẽ nằm trong số những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu trong khu vực.”
Dù lạc quan về triển vọng kinh tế, các chuyên gia cũng khuyến cáo Việt Nam cần đẩy nhanh chương trình phục hồi kinh tế, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng trước những rủi ro về lạm phát.
TS. NGUYỄN QUỐC VIỆT - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN: “Nếu chúng ta triển khai nhanh chóng, tập trung, hiệu quả thì sự đóng góp của gói hỗ trợ này đối với mục tiêu tăng trưởng là tích cực, nhưng nếu chúng ta tiếp tục triển khai chần chừ hoặc các bước có phần chậm trễ thì tác động tích cực của nó sẽ bị giảm đi nhiều trong bối cảnh thay đổi của tình hình kinh tế thế giới và những bất ổn có thể ảnh hưởng đến Việt Nam.”
PGS.TS ĐỖ HOÀI LINH - Phó Trưởng bộ môn Ngân hàng Thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân: “Tôi đánh giá rất cao mục tiêu vừa phải của chúng ta từ 6,5%-7% và con số đấy từ giờ đến cuối năm có đạt được hay không thì nếu trong bối cảnh như hiện tại vẫn tiếp diễn từ giờ đến cuối năm thì cá nhân tôi đánh giá hoàn toàn có thể đạt được, nhưng bài toán bên cạnh chúng ta phải cân nhắc đó là bài toán về lạm phát,bởi vì lạm phát nếu không kiểm soát tốt sẽ xói mòn và làm ảnh hưởng đến giá trị thực của tăng trưởng.”
Những rủi ro như giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao, đặc biệt là giá dầu toàn cầu sẽ làm tăng áp lực lạm phát. Tuy nhiên, với nguồn cung lương thực dồi dào trong nước sẽ giúp giảm lạm phát trong năm 2022. Nhiều dự báo cho rằng, Việt Nam sẽ vẫn đảm bảo được mục tiêu lạm phát như đã đề ra trong năm nay./.
Thực hiện : Lê Hương Đức Minh Quang Ngọc