Việt Nam có thể đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo
Gạo là một trong những mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu tăng mạnh trong nửa đầu năm 2023. Với điều kiện thuận lợi như thị trường nhập khẩu mở rộng, nhu cầu gạo của thế giới tăng mạnh đang là lợi thế lớn cho xuất khẩu chặng cuối năm.
Đặc biệt, Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đang xem xét cấm xuất khẩu các loại gạo để bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Đây được coi là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong lĩnh vực này.
Bộ NN&PTNT dự báo, năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam có thể đạt hơn 7 triệu tấn, tương đương 4 tỷ USD và là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, chiếm 12,7% thương mại gạo toàn cầu.
Nhiều lợi thế về thị trường
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu gạo đạt hơn 4,27 triệu tấn, giá trị 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản phân tích, 6 tháng qua, xuất khẩu gạo sang hầu hết các thị trường đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, với 1,53 triệu tấn, trị giá 772,4 triệu USD, tăng 20,7% về lượng và tăng 31,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, chiếm 40,3% thị phần trong tổng khối lượng gạo xuất khẩu Việt Nam.
Tiếp đó là Trung Quốc với khối lượng nhập khẩu đạt 632.469 tấn (tăng 62,8%), trị giá 364,17 triệu USD (tăng 79,2%), chiếm 19% thị phần xuất khẩu.
Thứ 3 là thị trường Indonesia với khối lượng đạt 369.032 tấn, tăng 16 lần (1.498%) so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, xuất khẩu gạo sang một số thị trường EU cũng tăng trưởng mạnh ở mức ba con số như: Ba Lan tăng 117,4%, Bỉ tăng 164,9%, Tây Ban Nha tăng 307,6%...
Bên cạnh những lợi thế về thị trường, giá xuất khẩu gạo Việt Nam cũng tăng so với những năm trước đó. Hiện, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Đỗ Hào Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, trong tháng 6, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 503 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn, bằng giá gạo 5% tấm của Thái Lan và cao hơn khoảng 15 USD/tấn so với gạo cùng loại của Ấn Độ. Gạo 25% tấm của Việt Nam cũng tăng 5 USD tấn lên 478 USD/tấn, cao hơn 8 USD/tấn so với gạo cùng chủng loại của Thái Lan và cao hơn khoảng 25 USD/tấn so với gạo Ấn Độ.
Sự chuyển dịch về giá gạo xuất khẩu đã minh chứng cho chất lượng, vị thế của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) Phạm Thái Bình chia sẻ, từ đầu năm đến nay, các đơn hàng gạo xuất khẩu của công ty đều có giá tăng cao, có thời điểm tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá gạo tăng do nguồn cung lương thực thế giới đang thiếu hụt, diện tích trồng cây lương thực tại nhiều quốc gia bị thu hẹp do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu…
Đặc biệt, một lợi thế lớn khác của Việt Nam chính là Ấn Độ đang xem xét lệnh cấm xuất khẩu gạo, điều này khiến nguồn cung gạo trên thế giới bị ảnh hưởng.
Duy trì tăng trưởng bền vững
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đưa ra cảnh báo, hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino có nhiều khả năng gây hạn hán nghiêm trọng, đe dọa nguồn cung lương thực trên toàn cầu.
Tổ chức Khí tượng thế giới hồi đầu tháng 5 cảnh báo kiểu thời tiết này có thể góp phần làm tăng nhiệt độ toàn cầu. Trước những tác động về thời tiết, quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ đang xem xét cấm xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực trong nước.
Tương tự, Chính phủ Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới đang kêu gọi nông dân chỉ trồng một vụ mùa trong năm nay thay vì hai vụ như thường lệ vì El Nino có thể làm giảm lượng mưa. Sản lượng gạo giảm có khả năng đẩy giá lương thực thiết yếu của hơn 1/2 dân số thế giới lên cao.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho rằng, gạo là lương thực chính của gần một nửa dân số thế giới, 90% nguồn cung toàn cầu đến từ châu Á. Khi Ấn Độ (chiếm khoảng 40% hoạt động thương mại gạo trên toàn cầu) cân nhắc cấm xuất khẩu hầu hết các loại gạo, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn. Tuy nhiên, chúng ta cần cân đối cung - cầu trong nước, tập trung nâng cao chất lượng, xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo bảo đảm chất lượng để khẳng định vị trí bền vững tại các thị trường nhập khẩu gạo trên thế giới.
Mặc dù đạt những kết quả tích cực, song cũng cần nhìn nhận thẳng thắn hạn chế ngành hàng lúa gạo của Việt Nam: Đó là khả năng cạnh tranh giữa những nước lớn, giữa các nền kinh tế lớn, thay đổi trong chính sách thương mại, các xung đột, xu hướng bảo hộ gia tăng. Các nước tiếp tục gia tăng rào cản kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại.
Đáng chú ý, lạm phát cao tại một số quốc gia phát triển, các chính sách thắt chặt tiền tệ, nhất là các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp tác động đến thương mại, gây khó khăn về đầu ra cho thị trường; giá cả biến động…
Để xuất khẩu gạo duy trì tăng trưởng, ngày 3-7-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 610/CĐ-TTg về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo.
Theo đó, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường; đặc biệt, cần sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu Gạo Việt Nam/VietNam rice; xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp hội nhập quốc tế; hỗ trợ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh. Đây là cũng là một trong những nội dung thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng những vùng nguyên liệu đạt chuẩn. “Khi có vùng nguyên liệu, doanh nghiệp mới truy xuất được nguồn gốc, nâng cao giá trị khi tham gia thị trường gạo thế giới. Hiện, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lúa gạo đăng ký tham gia đề án”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT phối hợp các bộ, ngành, địa phương có chiến lược cụ thể đối với ngành hàng lúa gạo, xu hướng diện tích sản xuất giảm nhưng năng suất, chất lượng cần được tăng lên. Cùng với bài toán về sản xuất, ngành lúa gạo cũng cần xác lập bền vững vị thế tại các thị trường nhập khẩu để duy trì tăng trưởng, tiếp tục mở rộng xuất khẩu gạo chất lượng ở những thị trường có giá trị lớn, mở rộng thị trường ở hầu hết các châu lục… bởi đây là nguồn lương thực thiết yếu đối với 90% dân số thế giới.