Việt Nam có thêm cơ hội mới khi áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu

Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 20-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Trong phiên thảo luận, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, việc áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu cũng mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho biết, việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu đã được nhóm các nền kinh tế phát triển mới nổi hàng đầu thế giới thống nhất về nguyên tắc, giải pháp là hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa của nền kinh tế. Đó là phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kỹ thuật số, thứ hai là đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu thảo luận tại hội trường Diên Hồng chiều 20-11

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu thảo luận tại hội trường Diên Hồng chiều 20-11

Diễn đàn hợp tác Xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) đã công bố hiện nay có 138 nước đồng thuận với nội dung về khung giải pháp hai trụ cột. Việt Nam là thành viên thứ 100, vì vậy, nếu không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình thì Việt Nam cần phải khẳng định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển thế giới OECD.

Đại biểu ĐIỂU HUỲNH SANG
Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và thuế tối thiểu toàn cầu bản chất là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung. Vì vậy, các nước cũng cần có quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp. Việc áp dụng các quy định của thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới đó là tăng nguồn thu ngân sách nhà nước từ phần thu thuế bổ sung và cũng tăng cường hội nhập quốc tế, giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, chuyển giá và chuyển lợi nhuận…

Hiện nay, nhiều nước cũng đã nội lực hóa các quy định này để áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024 và nếu Việt Nam không nội lực hóa các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu thì các nước xuất khẩu, có vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ được thu khoản thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung cho đủ 15% đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang được hưởng mức thuế suất thực tế là dưới 15%. Vì vậy, để bảo đảm giữ quyền đánh thuế của Việt Nam rất cần thiết phải ban hành văn bản pháp lý để tạo cơ sở cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh có thể kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và yên tâm về môi trường pháp lý tại Việt Nam.

Đại biểu ĐIỂU HUỲNH SANG
Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang thống nhất bổ sung dự thảo nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và phải bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp để thống nhất về thẩm quyền ban hành cũng như sự cần thiết của mục tiêu và tên gọi của dự thảo luật.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Chính phủ rà soát việc giải thích từ ngữ trong dự thảo nghị quyết để bảo đảm bám sát quy định của các văn bản pháp luật hiện hành, nhất là một số khái niệm chưa được quy định trong hệ thống pháp luật; rà soát thận trọng để tuân thủ đúng nguyên tắc do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới (OECD) hướng dẫn và bảo đảm về tính chính xác, cụ thể và thể hiện đầy đủ các khái niệm có liên quan; không quy định dẫn chiếu đến quy tắc hoặc là hướng dẫn của OECD, đồng thời phải xác định các nội dung để giao cho Chính phủ quy định chi tiết tại các điều, khoản cũng như là điểm cụ thể trong dự thảo nghị quyết.

“Chính phủ cần bổ sung nội dung đánh giá tác động của chính sách, sự tương thích với các điều ước quốc tế, đặc biệt là các hiệp định về bảo hộ đầu tư để có phương án xử lý phù hợp; làm rõ những giải pháp cũng như cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nghị quyết, tránh những phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, khi ban hành Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu là xác định về quyền đánh thuế của đất nước và mang lại lợi ích cho đất nước. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế của thế giới thì các quy định của quốc tế phải thực hiện, đòi hỏi nước ta phải luôn luôn chủ động để sửa đổi quy định pháp luật phù hợp với yêu cầu của quốc tế, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước tại phiên thảo luận

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước tại phiên thảo luận

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định: Khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu thì Bộ Tài chính sẽ làm việc với 122 doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế để chuẩn bị tinh thần và đăng ký trước. Vì các doanh nghiệp này, nếu không đóng thuế tại Việt Nam thì phải đóng thuế tại nước ngoài.

Trần Thể

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/150888/viet-nam-co-them-co-hoi-moi-khi-ap-dung-cac-quy-dinh-cua-thue-toi-thieu-toan-cau