Việt Nam cử cán bộ tham gia đánh giá và ứng phó khẩn cấp động đất tại Myanmar
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (PCTT) cử cán bộ tham gia Đoàn công tác đánh giá và ứng phó khẩn cấp của ASEAN để hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar.
Sau trận động đất mạnh 7,7 độ và 3 dư chấn xảy ra trên khắp Myanmar vào ngày 28/3, Chính phủ Myanmar đã chính thức kêu gọi hỗ trợ nhân đạo từ quốc tế, đặc biệt là cộng đồng ASEAN. Đáp lại yêu cầu này, Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo trong thiên tai (Trung tâm AHA) đã lập tức huy động Đội Đánh giá và Ứng phó khẩn cấp ASEAN (ASEAN-ERAT) nhằm hỗ trợ Chính phủ Myanmar trong công tác đánh giá tình hình thiệt hại và điều phối các hỗ trợ quốc tế.

Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cử 3 thành viên tham gia Đoàn công tác đến Yangon, Myanmar
Đoàn công tác gồm 26 thành viên từ 10 nước ASEAN sẽ đánh giá nhanh tình hình thiệt hại tại Myanmar trong vòng 14 ngày (từ ngày 30/3-12/4), trong đó Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cử 3 thành viên tham gia Đoàn công tác đã đến Yangon, Myanmar vào tối qua (31/3). Sáng 1/4, đoàn công tác đã lên đường đi theo các nhóm của ASEAN đến các khu vực ảnh hưởng để triển hoạt động hỗ trợ.
Các nước ASEAN đã thành lập Lực lượng đánh giá nhanh và ứng phó khẩn cấp ASEAN (ASEAN-ERAT). Với hơn 10 năm hoạt động (từ 2011 đến nay), đã chứng minh được hiệu quả trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai trong khu vực. Trong những giây phút khó khăn nhất của thảm họa thiên tai, sự đoàn kết và phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia ASEAN trở thành chỗ dựa vững chắc. Cơ chế ASEAN-ERAT là minh chứng sống động cho nỗ lực không ngừng của ASEAN trong việc ứng phó kịp thời với thiên tai, không chỉ qua những đội ngũ chuyên môn, mà còn là sự thể hiện của lòng nhân ái, sự sẻ chia và tinh thần hợp tác trong công tác cứu trợ nhân đạo.

Đoàn công tác gồm 26 thành viên từ 10 nước ASEAN sẽ đánh giá nhanh tình hình thiệt hại tại Myanmar trong vòng 14 ngày (từ ngày 30/3-12/4)
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giữ vai trò đầu mối hợp tác quốc tế trong công tác quản lý thiên tai, đã tích cực tham gia vào cơ chế này. Trong bối cảnh động đất xảy ra tại Myanmar, đoàn công tác của Cục phối hợp cùng các cán bộ từ các quốc gia ASEAN hỗ trợ quốc gia bị ảnh hưởng điều phối nguồn lực hỗ trợ quốc tế, đánh giá nhanh thiệt hại, xác định những nhu cầu cấp thiết để huy động nguồn lực hỗ trợ Myanmar vượt qua khó khăn.
Trước đó, Bộ Quốc phòng, Công an cử 105 cán bộ, chiến sỹ (Bộ Quốc phòng: 80 người, Công an: 25 người) cùng nhiều trang thiết bị sang Myanmar trực tiếp tham gia cứu hộ. Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân vụ động đất tại TP.Mandalay hôm 30.3
Tại Myanmar, Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC), đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại sáu tiểu bang và khu vực bị ảnh hưởng: Bago, Magway, Mandalay, Nay Pyi Taw, Sagaing và tiểu bang Shan ở đông bắc; yêu cầu sự hỗ trợ quốc tế để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ. Trận động đất khiến khoảng 7.000 người phải chịu rung lắc dữ dội, khoảng 2,87 triệu người phải chịu rung lắc nghiêm trọng và khoảng 10,2 triệu người phải chịu rung lắc mạnh hoặc rất mạnh (ECHO 28/03/2025).
Đến 31/3, theo báo cáo của Cục Quản lý thiên tai Myanmar thuộc Bộ Phúc lợi xã hội, Cứu trợ và Tái định cư, có khoảng 1.659 người thiệt mạng, 3.534 người bị thương, 284 người mất tích; . Đường cao tốc Yangon-Nay Pyi Taw-Mandalay và Sân bay quốc tế Mandalay bị hư hại nghiêm trọng. Tòa nhà sân bay Nay Phi Taw đã sụp đổ và sân bay đã phải đóng cửa. Cầu Ava, nhiều công trình kiến trúc, ngôi chùa Phật giáo trên dãy núi Sagaing đã bị sập.
Tại Thái Lan, theo báo cáo của Cục Phòng ngừa Giảm nhẹ thiên tai Thái Lan thuộc Bộ Nội vụ, do ảnh hưởng trận động đất tại Myanmar cũng đã làm 18 người thiệt mạng, 34 người bị thương và 78 người mất tích tại ba công trường xây dựng ở Bangkok, bao gồm cả vụ sập tòa nhà cao 30 tầng.