Việt Nam đã ban hành 56 luật nhằm trừng trị hành vi liên quan đến tra tấn
Việt Nam đã ban hành 56 luật và các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tốt hơn quyền con người nói chung và ngăn ngừa, trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn nói riêng.
Ngày 20/11, tại Hưng Yên, Ban Soạn thảo Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về thực thi Công ước CAT (Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người) tổ chức Hội thảo Tham vấn ý kiến rộng rãi của các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và người dân về dự thảo Báo cáo CAT 2. Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ nêu rõ, nhận thức vai trò, vị trí quan trọng của Công ước CAT, Việt Nam không ngừng nỗ lực triển khai tổng thể các biện pháp để thực hiện có hiệu quả Công ước, từ đó đạt được những thành tựu được cộng đồng quốc tế ghi nhận, trong đó bao gồm cả việc Báo cáo về thực thi Công ước.
Theo quy định của Công ước CAT, việc xây dựng Báo cáo CAT cần phải bảo đảm sự tham gia đóng góp ý kiến rộng rãi của các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và người dân nhằm đảm bảo tính khách quan, toàn diện và đầy đủ.
Với yêu cầu đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ nhấn mạnh, việc tổ chức hội thảo là nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia để việc xây dựng Báo cáo CAT 2 vừa đáp ứng các yêu cầu về chính trị, đối nội vừa phù hợp với các yêu cầu của quốc tế; đồng thời cũng để quốc tế hiểu rõ hơn các nỗ lực của Việt Nam trong triển khai Công ước CAT.
Trình bày tóm tắt nội dung của dự thảo Báo cáo, đại diện Tổ Thư ký xây dựng Báo cáo CAT 2 chỉ ra rằng, trên cơ sở nghiên cứu kỹ các khuyến nghị của Ủy ban Chống tra tấn (Ủy ban CAT), Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia để tăng cường thực hiện hiệu quả Công ước CAT trên phạm vi toàn quốc. Việt Nam đã ban hành 56 luật và các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tốt hơn quyền con người nói chung và ngăn ngừa, trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn nói riêng.
Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều đạo luật mới như Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 (sửa đổi), Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (sửa đổi), Luật Tố cáo năm 2018, Luật Đặc xá năm 2018, Luật Thi hành án hình sự năm 2019, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022... cùng hàng trăm văn bản hướng dẫn có liên quan theo hướng chuẩn hóa các quy trình, các chế định nhằm ngăn ngừa các hành vi có tính chất tra tấn, bảo vệ đối tượng có nguy cơ bị tra tấn, hỗ trợ nạn nhân của hành vi tra tấn trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, thi hành tạm giữ, tạm giam, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự và bồi thường thiệt hại.
Để triển khai thi hành các luật, Việt Nam tiếp tục ban hành hơn hàng trăm văn bản hướng dẫn nhằm chuẩn hóa các quy trình, công khai các quy định, bổ sung các chế định nhằm ngăn ngừa các hành vi tra tấn, bảo vệ những người có nguy cơ bị tra tấn cũng như hỗ trợ tốt hơn cho những nạn nhân của hành vi tra tấn.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; mở nhiều chuyên mục, đăng tải nhiều tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến, giải đáp pháp luật liên quan đến nội dung Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn trên các phương tiện thông tin truyền thông, các chương trình phát thanh, truyền hình, mạng xã hội...
Hội thảo thu hút sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương như Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Viện KSND tối cao, Liên đoàn luật sư Việt Nam, TAND và Viện KSND các tỉnh, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đại diện các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế.... Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, tham gia ý kiến đối với hình thức, bố cục và từng nội dung cụ thể của dự thảo Báo cáo CAT 2, theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Ban Tổ chức.
Phát biểu kết luận hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ bày tỏ hoan nghênh và đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu đồng thời, khẳng định Ban Soạn thảo Báo cáo CAT 2 sẽ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu, khẩn trương chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo báo cáo theo kế hoạch đã đề ra.
Việt Nam là thành viên chính thức của Công ước chống tra tấn (Công ước CAT) vào ngày 7/3/2015. Tuy nhiên, từ trước khi gia nhập Công ước CAT, Nhà nước Việt Nam đã khẳng định pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của tất cả cá nhân. Đồng thời, nghiêm cấm mọi hành vi tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Qua từng thời kỳ, trên cơ sở các bản hiến pháp, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống pháp luật cơ bản để bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể và phòng, chống các hành vi bức cung, nhục hình.