Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Chính phủ kịp thời có cơ chế, chính sách hỗ trợ xuất khẩu, DN chủ động tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng, đa dạng hóa thị trường là những giải pháp quan trọng để kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam năm 2022 tăng trưởng cao.

Hiến kế để hàng Việt chinh phục thị trường năm châu

Đưa ra giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu và tiếp cận tốt hơn thị trường EU, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ Trần Ngọc Quân cho hay, trong thời gian tới, Việt Nam cần đổi mới cách tiếp cận theo hướng linh hoạt, hai bên cùng có lợi, đáp ứng những yêu cầu cụ thể từ EU.

Theo đó, Chính phủ nên lựa chọn một số ngành hàng tiêu biểu và kiểm soát tốt chất lượng đầu ra. Chọn ra một số ngành hàng mũi nhọn vào thị trường EU. Bên cạnh đó, các DN Việt Nam cần liên kết nhiều hơn để đảm bảo sản xuất quy mô lớn; liên kết thành chuỗi và xây dựng tốt hệ thống logistic để giảm giá thành sản phẩm khi vào EU. Đặc biệt, các DN Việt Nam nên chú trọng những nhu cầu cụ thể từ phía EU như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và năng lượng xanh.

Quan tâm đến việc tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Australia, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Australia Nguyễn Phú Hòa kiến nghị, Chính phủ có hướng mở thêm những tuyến hàng không ưu tiên chở nông sản tươi của DN Việt Nam đến Australia nhanh chóng. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có thêm những chính sách để các DN đầu tư, xây dựng các kho bãi lớn tại Australia để hàng Việt Nam khẳng định chất lượng, uy tín tại thị trường này.

Chỉ ra những khó khăn của hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Philippines, Tham tán thương mại tại Philippines Phùng Văn Thành cho biết, mặc dù có tiềm năng lớn song Việt Nam chỉ có khoảng 35 mặt hàng xuất khẩu sang Philippines. Vì vậy, thời gian tới, để duy trì sự phát triển của các mặt hàng, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các ngành có thế mạnh như nông sản. Đặc biệt, nhu cầu của người dân Philippines khá tương đồng với thị hiếu của người dân Việt Nam, do đó, cần tạo cơ chế để mặt hàng nông sản tươi sống của Việt Nam vào thị trường thuận lợi.

Lạc quan về cơ hội gia tăng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, các DN Việt Nam đang khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Theo lộ trình tại các FTA, thuế nhập khẩu của đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm; thị phần hàng Việt trong dung lượng nhập khẩu của các nước đối tác còn thấp, do vậy, còn nhiều dư địa cho xuất khẩu của Việt Nam.

Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường

Xác định công tác thương vụ có vai trò quan trọng trong việc gia tăng xuất nhập khẩu hàng hóa, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hệ thống Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại ở nước ngoài tăng cường nắm bắt thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường sở tại để kịp thời kiến nghị, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp điều hành ngoại thương và phổ biến, hướng dẫn cho hiệp hội, DN khai thác hiệu quả các cơ hội thị trường nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thời gian tới, hoạt động xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục được đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; xây dựng, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về nhu cầu, các đối tác và các quy định liên quan của các thị trường.

Song song với đó, định hướng các hiệp hội ngành hàng, địa phương xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh triển khai hoạt động xúc tiến thương mại nhằm khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng, tận dụng các cơ hội từ các FTA mang lại, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu.

Kiên định muc tiêu tạo thuận lợi tối đa cho DN xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh dịch vụ logistics để thúc đẩy xuất khẩu thông qua hoạt động đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tăng cường cơ chế cảnh báo sớm về các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn DN cách ứng phó với các vụ kiện. Tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận quy tắc xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu trước rủi ro của các vụ kiện "chống lẩn tránh" biện pháp phòng vệ thương mại.

Đặc biệt, Bộ biên soạn và xuất bản ấn phẩm thông tin đến DN về các FTA, thị trường xuất khẩu. Mặt khác, phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ NN&PTNT trong công tác mở cửa thị trường đối với mặt hàng nông sản.

“Nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Công Thương sẽ phối hợp, chỉ đạo các Thương vụ thường xuyên, kịp thời hỗ trợ các DN trong việc xác minh thông tin đối tác, giải quyết tranh chấp giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của DN Việt Nam. Chủ động tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thương mại biên giới, khắc phục tình trạng ách tắc, ùn ứ hàng hóa nông sản xuất khẩu” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác phát triển thị trường với hệ thống cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mới đây (ngày 19/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các thương vụ đẩy mạnh tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước; thúc đẩy hợp tác với nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam, tạo điều kiện cho các DN trong nước chủ động trong sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/viet-nam-da-dang-hoa-thi-truong-xuat-khau.html