Việt Nam đã sẵn sàng cho một khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới
Từ ngày 21 - 27/9, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) Khóa 79, làm việc tại Hoa Kỳ và sau đó, thăm cấp Nhà nước tới Cuba. Tại đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam về tương lai cũng như kêu gọi các quốc gia cần tăng cường đoàn kết, chung tay, cùng hành động, hợp tác chặt chẽ.
Việt Nam đang ra sức phấn đấu, bứt tốc để có thể hiện thực hóa một tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong bài phát biểu với thông điệp mạnh mẽ và toàn diện về “Củng cố chủ nghĩa đa phương, cùng hành động để kiến tạo tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững cho mọi người dân” tại phiên Thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ Khóa 79.
Chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam về tương lai, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Hòa bình, ổn định là nền tảng để kiến tạo tương lai thịnh vượng, cần thúc đẩy tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ ở tất cả các quốc gia, trước hết là các nước lớn. Mỗi quốc gia cần hành xử có trách nhiệm, tuân thủ cam kết của chính mình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ; trong đó có các nguyên tắc cơ bản về giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, bình đẳng về chủ quyền, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nhau; tôn trọng thể chế chính trị mỗi nước đã lựa chọn và được Nhân dân ủng hộ; đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế tùy theo khả năng của mình. Không ngừng củng cố đoàn kết, sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia, đề cao đối thoại, loại bỏ đối đầu; quyết liệt phản đối các hành vi cô lập và cấm vận đơn phương đi ngược lại với luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng cần khơi thông, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển, ưu tiên cho các “vùng trũng” trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), hỗ trợ các nước đang phát triển về nguồn vốn ưu đãi, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sự phát triển tiến bộ, đồng thời chủ động ngăn chặn, đẩy lùi những hiểm họa đối với hòa bình, phát triển bền vững và nhân loại; Cần có tư duy mới, nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi, tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi quản trị toàn cầu, từ đó giúp các quốc gia tăng cường sức chống chịu, năng lực tự cường, đặc biệt cần đặt con người ở vị trí trung tâm, trong đó cần đặc biệt quan tâm đầu tư và phát triển toàn diện thế hệ trẻ cả về tri thức và văn hóa, trên cơ sở các giá trị chung và tinh thần trách nhiệm, cống hiến.
Cũng trong bài phát biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Chỉ khi đoàn kết, hợp tác, tin cậy, chung sức, đồng lòng, chúng ta mới có thể xây dựng thành công thế giới hòa bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho các thế hệ hiện tại và mai sau, để không ai bị bỏ lại phía sau. Trong thế giới đang mạnh mẽ chuyển mình ngày nay, mỗi quốc gia đều đóng một vai trò quan trọng trong bản giao hưởng lớn của thời đại. Việt Nam đang ra sức phấn đấu, bứt tốc để có thể hiện thực hóa một tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững, không chỉ cho người dân Việt Nam, mà còn cho tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Đó là tầm nhìn, là mục tiêu và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế hôm nay và mai sau”.
Tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển ổn định, thực chất
Một hoạt động trọng tâm nữa trong khuôn khổ chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lần này là sự kiện chiều 22/9 theo giờ địa phương (tức sáng 23/9 giờ Hà Nội) Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm 1 năm nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ.
Tại buổi lễ, điểm lại lịch sử quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng đây là quá trình hiếm có và là hình mẫu trong quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Mặc dù hai nước đã có những giao thiệp đầu tiên từ cách đây hơn 2 thế kỷ, song phải trải qua nhiều thách thức, thăng trầm, từ cựu thù trong chiến tranh trở thành bạn bè và phát triển quan hệ lên thành Đối tác toàn diện vào năm 2013 và sau 10 năm triển khai khuôn khổ Đối tác toàn diện, với những bước tiến quan trọng đạt được trong việc củng cố lòng tin, tăng cường hiểu biết lẫn nhau đã tạo cơ sở vững chắc để hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững vào năm 2023, đúng với ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ vào năm 2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị hai bên cần tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai hiệu quả Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2023, nhất là tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn ở cấp cao; đưa hợp tác khoa học - công nghệ cao (bán dẫn, AI), đào tạo nhân lực chất lượng cao trở thành đột phá chiến lược trong quan hệ hai nước; tiếp tục dành ưu tiên cho hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh góp phần xây dựng và củng cố lòng tin hai bên; tăng cường đối thoại trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng, chia sẻ lợi ích và các quan tâm chính đáng của nhau…
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp các chuyên gia, học giả tại Đại học Columbia. Tại sự kiện, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, với thế và lực mới, Việt Nam đã sẵn sàng cho một khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước trên quan điểm phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại là trọng yếu, thường xuyên với tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nhấn mạnh bốn định hướng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, đó là tập trung xây dựng, hoàn thiện và đổi mới đồng bộ thể chế phát triển đất nước; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm tạo bứt phá về năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, hiệu quả, thực chất giáo dục, đào tạo, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi. Với quan điểm phát huy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, là yếu tố quyết định; ngoại lực và yếu tố thời đại là yếu tố quan trọng, đột phá, Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị các chuyên gia, học giả tiếp tục quan tâm, tăng cường hợp tác với Việt Nam, đặc biệt về hợp tác nghiên cứu, trao đổi chính sách và hỗ trợ Việt Nam phát triển khoa học công nghệ.