Việt Nam chuẩn bị công bố thanh toán bệnh mắt hột theo tiêu chí của WHO

Từ ngày 9-11/8 tại Thanh Hóa đã diễn ra Hội nghị Khoa học kỹ thuật Nhãn khoa toàn quốc năm 2024, do Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức.

Đây là Hội nghị nhãn khoa thường niên ở quy mô quốc gia cũng là dịp kỷ niệm 107 năm thành lập Bệnh viện (1917-2024). Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã gửi lẵng hoa chúc mừng Hội nghị.

Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 1000 đại biểu là các bác sỹ nhãn khoa, phẫu thuật viên, kỹ thuật viên của các Bệnh viện mắt, Trung tâm mắt, Khoa mắt… thuộc các Bệnh viện Đa khoa của 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc; cùng nhiều chuyên gia nhãn khoa và các tổ chức quốc tế đến từ các nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Úc, Tây Ban Nha… tham gia thuyết trình tại hội thảo.

Đây là cơ hội để các bác sĩ nhãn khoa tiếp cận hơn nữa các tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới, chuyên sâu, đang triển khai tại Việt Nam và trên thế giới, không chỉ ở lĩnh vực chuyên môn mà còn cả lĩnh vực chuyển đổi số…

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ứng dụng tiến bộ khoa học trong chẩn đoán, điều trị bệnh là vô cùng quan trọng, giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt chính xác, kịp thời… Nhãn khoa là một trong những lĩnh vực tiên phong trong việc áp dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI)... cho thấy cơ hội trong tương lai của nhãn khoa còn rất lớn.

Hơn 100 báo cáo khoa học, cập nhật kiến thức, ứng dụngkỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị đã được trình bày tại Hội nghị, xoay quanh 9 nhóm chuyên đề như: Quản lý bệnh viện và lĩnh vực điều dưỡng nhãn khoa; Phẫu thuật khúc xạ và thể thủy tinh; Giác mạc; Chấn thương mắt và tạo hình thẩm mỹ; Khô mắt và nhiễm trùng bề mặt nhãn cầu; Glôcôm; Dịch kính võng mạc, nội và ngoại khoa; Mắt trẻ em và khúc xạ nội khoa; Thần kinh nhãn khoa, cận lâm sàng và các vấn đề khác…

Đặc biệt, lần đầu tiên công bố kết quả chương trình thanh toán bệnh mắt hột ở Việt Nam theo các tiêu chí của WHO. Đây là một nỗ lực lớn của Bệnh viện Mắt Trung ương, ngành mắt nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung.

TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị.

TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị.

Thông tin tại Hội nghị cũng cho biết, một số nguyên nhân gây mù lòa chính ở Việt Nam hiện nay gồm: Bệnh đục thể thủy tinh (chiếm tỷ lệ tới 74%), các bệnh lý bán phần sau nhãn cầu (bong võng mạc, võng mạc đái tháo đường, thoái hóa hoàng điểm, tăng huyết áp võng mạc…), sẹo giác mạc, bệnh glôcôm, tật khúc xạ…

Mục tiêu phòng chống mù lòa quốc gia đến năm 2030 là: Giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4 người/1.000 dân; tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thể thủy tinh trên 3,5 người/1.000 dân, trong đó phẫu thuật đục thể thủy tinh ở người mù trên 95%; đạt trên 75% người mắc bệnh đái tháo đường; trên 95% tỷ lệ khúc xạ học đường được khám, phát hiện, chỉnh kính sớm…

Tại Hội nghị, TS. BS Hà Anh Đức mong muốn, đối với ngành nhãn khoa nói chung và Bệnh viện Mắt Trung ương nói riêng, tiếp nối truyền thống xây dựng có được hơn 100 năm nay của Bệnh viện; thực hiện tốt các Chương trình đã tham mưu cho chính phủ; phối hợp với ngành giáo dục, ngành lao động thương binh và xã hội… có được những can thiệp, phòng ngừa cho học sinh, đối tượng chịu tác động, dễ bị thương tổn… liên quan đến mắt; tham mưu cho Bộ Y tế, xây dựng các chương trình y tế công cộng, làm sao với chi phí thấp, mang lại hiệu quả cao...

PGS.TS Phạm Ngọc Đông, PGĐ phụ trách, quản lý điều hành BV Mắt Trung ương, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, hứa sẽ cố gắng hết mình để Bệnh viện Mắt Trung ương, ngành nhãn khoa Việt Nam vươn lên phát triển và mang lại nguồn ánh sáng cho nhân dân.

PGS.TS Phạm Ngọc Đông, PGĐ phụ trách, quản lý điều hành BV Mắt Trung ương, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, hứa sẽ cố gắng hết mình để Bệnh viện Mắt Trung ương, ngành nhãn khoa Việt Nam vươn lên phát triển và mang lại nguồn ánh sáng cho nhân dân.

Hội nghị dành phần lớn thời gian cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển khoa học kỹ thuật trong nhãn khoa. Các đề tài nghiên cứu chuyên sâu của các chuyên gia nhãn khoa trong nước và quốc tế, đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng trong chẩn đoán, điều trị và quản lý nhãn khoa hiện nay. Một vài chủ đề điển hình như:

- Ứng dụng Pentacam AXL Wave trong quyết định phẫu thuật đục thủy tinh thể cao cấp.

- Tối ưu hóa kết quả điều trị cho bệnh nhân với IOL Liberty: Giảm thiểu chứng rối loạn thị giác.

- Hợp nhất giữa y tế và công nghệ giải pháp sàng lọc bằng trí tuệ nhân tạo – AI trong bệnh võng mạc đái tháo đường (DR) và thoái hóa hoàng điểm tuổi già (AMD).

- Những bước tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh mạch máu hắc mạc dạng polyp (PCV).

- Ứng dụng chẩn đoán hình ảnh trong quản lý PCV tại Việt Nam…

Trong khuôn khổ của Hội nghị đã tổ chức khóa cập nhật, đào tạo chuyên đề cho 120 học viên là các bác sỹ, kỹ thuật viên về OCT trong nhãn khoa và Laser Yag, Laser quang đông võng mạc; diễn ra các hoạt động triển lãm giới thiệu những thành tựu nhãn khoa trong nước và trên thế giới, với sự tham gia của các công ty, các tập đoàn dược phẩm và thiết bị nhãn khoa trong, ngoài nước.

Mời độc giả xem thêm:

Thu Hương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/viet-nam-da-thanh-toan-benh-mat-hot-theo-tieu-chi-cua-to-chuc-y-te-the-gioi-who-169240810133532864.htm