Việt Nam đang lãng phí ưu đãi từ CPTPP?

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực hơn 8 tháng, được đánh là mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu biết tận dụng cơ hội triệt để những ưu đãi. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra không như kỳ vọng. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương về vấn đề này.

Những dấu hiệu tích cực

PV: CPTPP có hiệu lực tính đến nay đã được hơn 8 tháng. Ông có thể cho biết, trong khoảng thời gian đó, CPTPP đã mang lại cho chúng ta những gì?

Ông Ngô Chung Khanh

Ông Ngô Chung Khanh

Ông Ngô Chung Khanh: Với những thống kê và sự ghi nhận của chúng tôi trong thời gian qua, từ khi CPTPP có hiệu lực (ngày 14-1-2019), điểm nổi bật nhất chính là Việt Nam đã xuất khẩu nhiều hơn và nhập khẩu ít hơn, trong phạm vi các nước thành viên CPTPP.

Với các nước mà Việt Nam chưa ký FTA riêng như Canada, Mexico thì mức tăng xuất khẩu khá cao trong 7 tháng, tính từ khi CPTPP có hiệu lực: Canada tăng 33%, Mexico tăng 10%. Một số các nước khác cũng ghi nhận sự tăng trưởng xuất khẩu mạnh, như Nhật Bản tăng 9%, Singapore tăng 3,7%, New Zealand tăng 3%... Chỉ riêng Australia, Việt Nam bị sụt giảm xuất khẩu khoảng 20%.

Trong khi đó, nhập khẩu của Việt Nam từ các nước thành viên CPTPP ít đi. Trừ Canada và Australia, các thị trường khác như Mexico, Nhật Bản, Singapore... đều ghi nhận sụt giảm kim ngạch nhập khẩu.

PV: Đó có phải là dấu hiệu các doanh nghiệp Việt đã nắm bắt cơ hội từ CPTPP, nhất là về ưu đãi xuất xứ, thuế quan không, thưa ông?

Ông Ngô Chung Khanh: Từ tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên CPTPP, một số mặt hàng đạt 190 triệu USD, riêng xuất sang Canada 118 triệu USD và Mexico 54 triệu USD, cho thấy một số doanh nghiệp Việt biết tận dụng ưu đãi, quan tâm tới các thị trường lớn. Riêng kim ngạch xuất khẩu sang Canada và Mexico đã chiếm 80-90% tổng kim ngạch xuất khẩu mà các doanh nghiệp được hưởng lợi từ CPTPP. Sự tận dụng ưu đãi về thuế quan khá tốt mới có hiệu quả như vậy.

Một dấu hiệu tích cực nữa, trước đây, khi CPTPP chưa có hiệu lực, cơ quan đầu mối là Bộ Công Thương (thông qua Cổng thông tin điện tử) không nhận được bất kỳ câu hỏi nào của doanh nghiệp về CPTPP, như CPTPP là gì, tận dụng cơ hội ra sao?... Nhưng từ khi CPTPP có hiệu lực, chúng tôi đã nhận được 12 câu hỏi từ doanh nghiệp, trong đó có 7 câu hỏi từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 5 câu hỏi của doanh nghiệp trong nước.

Thực tế, trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên CPTPP là 16,4 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2019, hàng hóa tận dụng ưu đãi nhờ C/O chỉ có 190 triệu USD, chiếm khoảng 1,17%, quá thấp. Rất bất ngờ khi nhóm mặt hàng kỳ vọng lớn nhất là may mặc lại có tỷ lệ tận dụng ưu đãi 0,03%. Đó là sự lãng phí lớn ưu đãi.

Tận dụng ưu đãi quá thấp

PV: Tuy nhiên, CPTPP có 10 nước thành viên, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ “nổi trội” ở Canada và Mexico, mức tăng xuất khẩu nói chung ở các nước thành viên CPTPP chưa cao. Ông lý giải như thế nào về thực tế đó?

Ông Ngô Chung Khanh: Mặc dù có một số doanh nghiệp đã biết tận dụng ưu đãi từ CPTPP, chẳng hạn như chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP, nhất là những thị trường lớn chưa ký FTA riêng với Việt Nam. Thế nhưng, tỷ lệ hàng hóa tận dụng C/O rất thấp.

Thực tế, trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các nước thành viên CPTPP là 16,4 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm 2019, hàng hóa tận dụng ưu đãi nhờ C/O chỉ có 190 triệu USD, chiếm khoảng 1,17%, quá thấp. Ngay cả xuất khẩu sang Canada, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 1,8 tỉ USD, chúng ta cũng chỉ tận dụng ưu đãi được 118 triệu USD, chiếm khoảng 6,45%. Hay xuất khẩu sang Mexico, tổng kim ngạch đạt 3 tỉ USD, nhưng hàng hóa xuất khẩu theo mẫu C/O chỉ đạt 54 triệu USD, chiếm khoảng 4,16%.

Hàng dệt may không tận dụng được ưu đãi từ CPTPP

Hàng dệt may không tận dụng được ưu đãi từ CPTPP

Như vậy, CPTPP có hiệu lực nhưng khả năng tận dụng ưu đãi trong xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt đến đâu vẫn là một câu hỏi lớn.

Nếu nhìn vào mặt hàng, dựa trên các số liệu chúng tôi lấy nguồn từ Tổng cục Hải quan và một số ngành liên quan để tổng hợp nhằm đưa ra bức tranh khả năng tận dụng ưu đãi từ CPTPP, chỉ có hai mặt hàng là giày dép tận dụng 12,6% và sắt thép tận dụng hơn 9%. Rất bất ngờ khi nhóm mặt hàng kỳ vọng lớn nhất là may mặc lại có tỷ lệ tận dụng ưu đãi 0,03%, gần như bằng không. Đó là sự lãng phí lớn những ưu đãi từ CPTPP. Đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm khi dệt may là hàng hóa xuất khẩu cốt lõi kỳ vọng lớn vào CPTPP nhưng không thu được lợi ích từ CPTPP.

PV: Vậy theo ông, nguyên nhân từ đâu mà sự tận dụng ưu đãi từ CPTPP của doanh nghiệp Việt thấp như vậy?

Ông Ngô Chung Khanh: Theo tôi, đó chính là sự thờ ơ của doanh nghiệp với CPTPP. Trong suốt thời gian dài, Bộ Công Thương chỉ nhận được 12 câu hỏi và cũng chỉ có 12 câu hỏi mà thôi. Con số này quá khiêm tốn so với con số hơn 700 nghìn doanh nghiệp hiện nay. Cho đến bây giờ, chúng tôi cũng không nhận thêm bất kỳ câu hỏi nào khác tìm hiểu về CPTPP của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ở địa phương.

Thêm nữa, có thể nói đến việc xây dựng kế hoạch hành động thực thi CPTPP rất chậm chạp. Mặc dù đến nay tất cả các ngành, địa phương đã có kế hoạch hành động nhưng để đạt được điều đó, Thủ tướng đã phải nhắc nhở ba lần.

Lần đầu tiên khi ban hành văn bản chỉ đạo xây dựng chương trình kế hoạch hành động thực thi CPTPP, Thủ tướng đặt thời hạn thứ nhất là ngày 1-3-2019, tất cả các ngành, địa phương phải nộp kế hoạch hành động về cho Bộ Công Thương để báo cáo Chính phủ. Nhưng đến ngày 21-3-2019, chúng tôi mới nhận được kế hoạch hành động của 10/28 bộ, ngành và 32/63 tỉnh, thành phố.

Thời gian hoàn thành kế hoạch hành động thực thi CPTPP của các bộ, ngành, địa phương rất lâu, nội dung không chi tiết, thậm chí nhiều kế hoạch hành động là “sao y bản chính” chương trình hành động mà Thủ tướng đã ban hành. Việc triển khai sẽ như thế nào vì không có hoạt động cụ thể, không có cơ quan phụ trách...?

Tiếp theo, Thủ tướng nhắc lần 2 ngày 12-4-2019 là thời hạn nộp kế hoạch hành động, đến ngày 8-7-2019, chúng tôi mới nhận được kế hoạch hành động của 23/28 bộ, ngành và 55/63 tỉnh, thành phố.

Lần 3, Thủ tướng nhắc thời hạn cuối cùng là ngày 3-8-2019, nhưng đến ngày 30-8-2019 chúng tôi mới nhận được kế hoạch hành động của 27/28 bộ, ngành và 62/63 tỉnh, thành phố.

Thời gian hoàn thành kế hoạch hành động thực thi CPTPP của các bộ, ngành, địa phương rất lâu. Điều đáng nói thêm, nội dung kế hoạch hàng động của các bộ, ngành, địa phương không có kế hoạch chi tiết, thậm chí nhiều kế hoạch hành động là “sao y bản chính” chương trình hành động mà Thủ tướng đã ban hành. Với kế hoạch hành động chung chung, việc triển khai sẽ như thế nào vì không có hoạt động cụ thể, không có cơ quan phụ trách, không có thời gian hoàn thành...? Đó là thực tế rất đáng quan ngại về việc thực thi CPTPP.

PV: Sự thờ ơ của doanh nghiệp, sự chậm chạp của các bộ, ngành, địa phương, theo ông liệu có phải xuất phát từ chính những điều kiện hưởng ưu đãi của CPTPP?

Ông Ngô Chung Khanh: Chúng tôi đã phân tích về điều này và thấy có một số lý do như sau.

Thứ nhất, có thể nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, chưa hiểu về CPTPP, nên không thể đưa ra câu hỏi để tìm hiểu và tận dụng ưu đãi.

Thứ hai, có thể chúng ta chưa đáp ứng đầy đủ những quy tắc xuất xứ của CPTPP, ví dụ như ngành dệt may thời gian qua có một số ý kiến tỏ ra quan ngại. Tổng công ty May 10 hoặc các doanh nghiệp phía Nam lo ngại về quy tắc xuất xứ không đáp ứng được do không thể đầu tư lớn xây dựng nhà máy dệt vì tốn quá nhiều tiền, trong khi thị trường chưa lớn, chính sách môi trường ở các địa phương còn khá phức tạp, ảnh hưởng tới việc đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất nguyên phụ liệu. Trong khi đó, quy định của CPTPP về xuất xứ: Tất cả các công đoạn sản xuất hàng dệt may từ sợi trở đi, bao gồm kéo sợi, dệt và nhuộm vải; cắt và may quần áo, phải được thực hiện trong nội khối CPTPP. Thời gian qua, số lượng, giá trị kim ngạch nhập khẩu vải về Việt Nam vẫn tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp dệt may rất khó đáp ứng được quy tắc xuất xứ, dẫn đến chưa tận dụng được ưu đãi từ CPTPP.

Nguyên nhân cuối cùng, theo chúng tôi, có thể là từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Bởi nhờ cuộc chiến thương mại này, nhiều doanh nghiệp “tự nhiên” thấy hàng xuất khẩu nhiều hơn sang các nước khác, thấy không cần quan tâm đến CPTPP nữa vì hàng của họ đã xuất khẩu được nhiều rồi...

Phải thay đổi tư duy

PV: Thưa ông, vậy phải làm thế nào để cải thiện tình hình, tận dụng ưu đãi CPTPP nhiều hơn?

Ông Ngô Chung Khanh: Chúng ta đã ký kết, cam kết, phê chuẩn CPTPP, nhưng quan trọng là làm sao thực thi hiệp định hiệu quả cao nhất. Nếu không, những lợi ích mà hội thảo, diễn đàn, các cơ quan quản lý nói đến chỉ là trên giấy.

Muốn lợi ích đó chuyển hóa thành hiện thực, một trong những yêu cầu cấp bách là cải cách thể chế. Muốn cải cách thể chế thì các địa phương, các bộ, ngành phải quyết liệt vào cuộc, sửa đổi văn bản pháp luật, sửa đổi tư duy làm việc hay cách làm việc thực sự với doanh nghiệp.

Để làm được điều đó, theo chúng tôi, thứ nhất phải đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền. Vì thời gian qua, sau khi CPTPP được phê chuẩn, chúng ta có rất nhiều hội thảo, thông tin về CPTPP được truyền thông rộng rãi, nhưng thời gian gần đây, việc tuyên truyền thưa dần, mờ nhạt, dẫn đến sự quan tâm của doanh nghiệp, công luận cũng giảm dần.

Thứ hai là chúng ta cần xử lý, giải quyết những vấn đề vướng mắc, cản trở cho doanh nghiệp về vận dụng quy tắc xuất xứ. Thủ tướng đã có chỉ đạo quyết liệt, địa phương nào có quy định về môi trường gây cản trở cho hoạt động đầu tư về dệt may phải giải quyết ngay...

Thứ ba là sự vào cuộc chủ động, tích cực của các bộ, ngành. Bộ Công Thương sẽ kết nối bằng được các đầu mối CPTPP tại các bộ, ngành, địa phương để làm sao CPTPP được lan tỏa một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Với những khuyến nghị trên đây, hy vọng chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi “làm sao thực thi CPTPP hiệu quả?” cho cả doanh nghiệp và người dân.

PV: Xin cảm ơn ông.

Nhiều cản trở lớn khi thực thi CPTPP

Bà Nguyễn Thị Thu Trang

Bà Nguyễn Thị Thu Trang

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả điều tra sự quan tâm với CPTPP đối với 8.600 doanh nghiệp cho thấy: Mặc dù các doanh nghiệp đã có mức độ quan tâm nhất định tới CPTPP khi có tới 26% doanh nghiệp có tìm hiểu. Tuy nhiên, hơn 70% doanh nghiệp chưa rõ về CPTPP.

Phát biểu tại Diễn đàn “Thuận lợi và khó khăn đối với Việt Nam khi thực hiện CPTPP trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung” do Bộ Công Thương phối hợp VCCI tổ chức mới đây tại Hà Nội, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho hay: Những cản trở lớn nhất được các doanh nghiệp đưa ra là doanh nghiệp thiếu thông tin về cam kết và cách thực hiện; năng lực cạnh tranh thấp; quy tắc xuất xứ quá khó; bất cập trong tổ chức thực thi của cơ quan quản lý Nhà nước...

Với quy mô dân số 499 triệu dân, chiếm 13,5% GDP toàn cầu, 14,4% quy mô thương mại toàn thế giới, CPTPP sẽ tạo ra những tác động tích cực khi các nước giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa Việt Nam. Dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP sẽ tăng từ 54 tỉ USD lên 80 tỉ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Không chỉ doanh nghiệp thiếu hiểu biết, chưa tận dụng tốt cơ hội mở ra từ CPTPP mà ngay cả cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa thực sự chủ động vào cuộc. Bà Trang bày tỏ: Kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương đều chậm nửa năm so với yêu cầu. Việc thực thi các cam kết của CPTPP không phải là Chính phủ và các bộ, ngành mà chủ yếu ở địa phương và doanh nghiệp. Doanh nghiệp nếu không hiểu về cơ hội từ CPTPP thì làm sao có thể tận dụng được? Chính quyền địa phương cũng cần tuyên truyền cho cán bộ quản lý về CPTPP để họ đừng vi phạm cam kết, gây tổn hại và làm cản trở doanh nghiệp.

Vấn đề lớn nhất hiện này là làm thế nào để Việt Nam có thể tận dụng tốt nhất những cơ hội từ CPTPP và các FTA mà Việt Nam đã tham gia?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang kiến nghị, các địa phương cần thực hiện quyết liệt, hiệu quả kế hoạch hành động cùng với sự tham vấn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp chủ động nắm thông tin, tìm hiểu và tận dụng cơ hội trong CPTPP; chủ động phản ánh các yêu cầu, những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn để cùng nhau giải quyết...

Tú Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/viet-nam-dang-lang-phi-uu-dai-tu-cptpp-551724.html