Việt Nam đang ở giai đoạn 'trăm năm có một' trong thu hút bán dẫn, nhưng cần nhanh hơn để không bỏ lỡ
Nhiều quốc gia trên thế giới đã có các chính sách ưu đãi mang tính trực tiếp cho ngành bán dẫn, nhưng Việt Nam chưa có. Ngành này đòi hỏi các yêu cầu chất lượng cao, Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi, nhưng cần nhanh hơn để không bị bỏ lỡ.
Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2024 do Báo Đầu tư tổ chức chiều ngày 30/07, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những chia sẻ từ góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước về hỗ trợ hoạt động đầu tư nước ngoài, thúc đẩy bất sản khu công nghiệp.
Ông Chung cho biết, cơ quan quản lý nhà nước có sự lạc quan nhiều hơn về tương lai Việt Nam. Trong xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng, cạnh tranh các nước, nhiều nhà đầu tư, tập đoàn đã có sự dịch chuyển lĩnh vực chế biến chế tạo và công nghệ cao, bán dẫn. Nhiều nhà đầu tư nhận định Việt Nam là 1 trong những thị trường hấp dẫn để thực hiện đầu tư kinh doanh, đây là cơ hội tốt “trăm năm có một” thu hút đầu tư có chất lượng, cơ hội để hoạt động trong thời gian tới.
Dưới góc độ chuyên môn, Việt Nam có nhiều lợi thế có thể cạnh tranh. Ví dụ, về mặt ổn định chính trị thì Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn. Nền kinh tế Việt Nam nhiều năm tăng trưởng cao, ổn định, hội nhập sâu rộng tạo ra sự hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài. Về nhân lực, Việt Nam có 100 triệu dân, 57 – 59% người trong lực lượng lao động nên nước ta có tự tin; thay vì trước đây, nước ta thu hút đầu tư nguồn lao động giá rẻ thì hiện tại chúng ta có nguồn lao động chất lượng phục vụ hoạt động đầu tư kinh doanh.
Đặc biệt, Việt Nam hiện có 16 hiệp định thương mại đầu tư thế hệ mới tạo ra không gian lớn, nhiều cơ hội cho nhà đầu tư lớn của Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang tập trung thực hiện hàng ngày, hàng giờ để phát triển đường bộ, đường biển, hàng không, cao tốc… nhằm tạo không gian phát triển thu hút nhà đầu tư.
Giai đoạn gần đây, chúng ta thấy rõ hơn sự quyết liệt của Chính phủ trong cải cách thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh. Những mảng liên quan đến các ngành mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… Việt Nam đã có tổ công tác trực tiếp làm việc. Chỉ trong 2 năm gần đây đã có hàng loạt đoàn công tác của lãnh đạo cấp cao hay các tổ chức doanh nghiệp lớn đến Việt Nam.
Với lĩnh vực công nghệ cao, Chính phủ cũng rất quyết liệt. Hàng tuần, Thủ tướng Chính phủ đều họp, trao đổi với các bộ ban ngành để quyết liệt tạo quan hệ, xác lập đối tác, tạo khung pháp lý hỗ trợ hoạt động kinh doanh. Trong 5 năm gần đây, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ chiến lược toàn diện với các nước lớn, hầu hết phát triển công nghệ cao, công nghệ bán dẫn.
Nhìn lại năm 2023, FDI duy trì tăng 34%, 7 tháng đầu năm tăng gần 11%, trong đó trên 70% năm trong lĩnh vực chế tạo, trong khi ngành công nghiệp bán dẫn là ngành lõi công nghiệp chế biến chế tạo. Khi công nghiệp bán dẫn phát triển sẽ kéo theo công nghệ chế biến chế tạo.
Tuy nhiên, khi Việt Nam thu hút FDI công nghệ cao sẽ tạo ra nhiều thách thức cho ban quản lý khu công nghiệp, nhà cung cấp hàng hóa với nhà đầu tư cần cao hơn, ví dụ: khu công nghiệp cần quy mô lớn hơn, chất lượng hiện đại hơn, môi trường xanh phục vụ phát triển bền vững, hạ tầng xã hội…
Ông Chung cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã có các chính sách ưu đãi mang tính trực tiếp cho ngành bán dẫn, nhưng Việt Nam chưa có. Chính phủ cũng rất trăn trở nên cần có giải pháp khác để đảm bảo hai mục tiêu: vẫn có thể thu hút, nắm giữ các nhà đầu tư ở lại Việt Nam, nhưng cũng thể chạy theo nhà giàu.
“Lĩnh vực này đòi hỏi mọi thứ chất lượng cao, không thể mãi cấp 1, cấp 2 mà cần lên cấp 3 – 4, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực; đảm bảo đủ năng lượng và còn cam kết hướng tới năng lượng xanh. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn yêu cầu lộ trình cam kết đến thời điểm nhất định phải có năng lượng xanh. Nhưng hơn hết, các địa phương, doanh nghiệp phải chung tay, có giải pháp đồng bộ mới có thể thành công”, ông Chung nói.
Về vấn đề bán dẫn, bà Bà Trang Lê, Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn, JLL Việt Nam đánh giá, đây là chủ để nóng không chỉ tại Việt Nam, mà còn ở tất cả các nước khác. Song, mong muốn là một chuyện nhưng năng lực hấp thụ lại là một chuyện khác. Vì vậy, Việt Nam nên suy nghĩ kỹ về vấn đề làm sao để hấp thụ các nhà đầu tư đó.
Vị chuyên gia này cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm của ông Chung rằng Việt Nam đang sở hữu cơ hội lớn, ở thời điểm gần như là bước ngoặt, nên cần làm nhanh hơn nữa… vì không thể để kéo dài quá lâu, các nước khác cũng đang đẩy mạnh rất nhiều.
“Có những việc mình biết, mình muốn làm nhưng cần thời gian. Có thể kể đến như việc nâng cao năng lực nguồn lao động không thể trong một vài năm, nhưng cần phải đẩy nhanh tốc độ. Bởi doanh nghiệp nước ngoài cũng đang cân nhắc đầu tư vào Việt Nam, vì vậy cần phải đẩy nhanh nếu không những thứ ngoài kia sẽ trở thành muộn màng”, bà Trang Lê nêu quan điểm.