Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong chăm sóc sức khỏe người dân

Bảo đảm quyền sức khỏe của người dân là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Theo WHO, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng 15 năm, với sự suy giảm đáng kể của các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Việt Nam đã mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế, đưa đất nước tiến xa hơn trên mục tiêu hướng tới lộ trình chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế được xác định thuộc nhóm quy hoạch ngành Quốc gia. (Ảnh: VGP)

Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế được xác định thuộc nhóm quy hoạch ngành Quốc gia. (Ảnh: VGP)

Trong thời gian qua, Việt Nam tiếp tục thực hiện các nỗ lực để cải thiện sức khỏe người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quyền con người. Tình trạng sức khỏe người dân Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập. Tuổi thọ trung bình đến năm 2022 ước đạt khoảng 73,6 tuổi, tăng so với 2015 (73,3 tuổi) và cao hơn trung bình thế giới (73 tuổi). Trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2022, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống giảm từ 14,2 xuống còn 12,1; tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống giảm từ 21,4 xuống còn 18,9; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 23,2% xuống còn 19,2%. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi được duy trì trên 90%.

Mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc gắn chặt với y tế cơ sở, năng lực được nâng cao. 97,3% trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 92,4% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc. Năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh được nâng lên. Nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao, tiên tiến ngang tầm các nước tiên tiến được áp dụng.

Báo cáo Phát triển Con người của UNDP, xếp hạng chỉ số phát triển con người của Việt Nam tiếp tục tăng từ 115 lên 107 và Việt Nam được xếp trong nhóm có chỉ số phát triển con người cao.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia tiến nhanh nhất trên thế giới về tăng Chỉ số phát triển con người (HDI). Chỉ trong vòng 1 thập kỷ, chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã tăng 46%, thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ tăng cao nhất thế giới.

Các hoạt động phối hợp liên ngành, hợp tác quốc tế, truyền thông được tăng cường nhằm tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việt Nam đang thực hiện chiến lược tài chính y tế theo định hướng công bằng, tăng tỷ lệ tài chính công cho y tế dựa trên bảo hiểm y tế toàn dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 92% vào năm 2022.

Việt Nam là một trong những nước triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 quy mô lớn và có tỷ lệ phủ vaccine cao trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau nhưng về trước trong tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Với chiến lược vaccine phù hợp, đúng đắn, hiệu quả, Việt Nam đã kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19, có tỷ lệ số ca chuyển nặng, nhập viện, tử vong ở mức thấp hơn so với khu vực và thế giới, và từ giữa tháng 3/2022 đã mở cửa toàn bộ nền kinh tế với tinh thần phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Trong thời gian dịch Covid 19 lây lan nhanh, công tác tiêm chủng vaccine phòng bệnh được triển khai đồng loạt trên toàn quốc. (Ảnh: Bộ Y tế)

Trong thời gian dịch Covid 19 lây lan nhanh, công tác tiêm chủng vaccine phòng bệnh được triển khai đồng loạt trên toàn quốc. (Ảnh: Bộ Y tế)

Chính phủ đã thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19, đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến với đại dịch. Quỹ được thành lập với mục tiêu huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước trong các hoạt động mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân trên nguyên tắc bảo đảm sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh bạch.

Tính đến hết ngày 31/12/2022, Việt Nam đã tiêm được gần 266 triệu liều vaccine phòng Covid-19, trong đó tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt tương ứng 80,2% và 86,9%; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 12 đến dưới 18 tuổi là 68,6%; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt tương ứng 92,4% và 73,8%.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về chăm sóc SKSS tại xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Bộ Y tế)

Đẩy mạnh công tác truyền thông về chăm sóc SKSS tại xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Bộ Y tế)

Việt Nam cũng tích cực triển khai Kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030 và đã phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, trong đó có các nội dung loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đánh giá: “Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong cải thiện cuộc sống người dân và nâng cao chất lượng y tế trong những thập kỷ gần đây. Tuổi thọ trung bình đã tăng 15 năm, với sự suy giảm đáng kể của các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Các bạn đã mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế, đưa đất nước tiến xa hơn trên mục tiêu hướng tới lộ trình chăm sóc sức khỏe toàn dân”.

Tham gia Kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới lần thứ 77 (WHA 77) tại Thụy Sĩ từ ngày 27/5-31/5/2024, đại diện Bộ Y tế khẳng định việc đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là một trong những mục tiêu chính của Chính phủ Việt Nam và việc xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu vững mạnh là một phần nền tảng cho mục tiêu này.

HÀ NHÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/viet-nam-dat-duoc-nhieu-thanh-tuu-trong-cham-soc-suc-khoe-nguoi-dan-post835122.html