Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ về công khai ngân sách

'Khi Nhà nước minh bạch ngân sách, đặc biệt là minh bạch việc phân bổ và sử dụng ngân sách cũng sẽ giúp người dân giám sát được việc tiền đóng thuế của họ được sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả hơn.'

Ảnh minh họa. (Nguồn: KTNN/Vietnam+)

Ảnh minh họa. (Nguồn: KTNN/Vietnam+)

“Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các cam kết công khai thông tin về quản lý và sử dụng nguồn lực công để người dân có thể tham gia thảo luận về ngân sách với những cải cách về pháp luật và thể chế quản trị ngân sách theo hướng minh bạch hơn.”

Bà Ngô Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) phát biểu tại buổi công bố Chỉ số công khai ngân sách quốc gia (OBI) của Việt Nam và Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan trung ương (MOBI) năm 2019. Chương trình do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) cùng với Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp thực hiện.

Gia tăng minh bạch ngân sách

Theo bà Hương, các chỉ số về công khai minh bạch ngân sách được thực hiện trong nhiều năm với mục tiêu đo đạc mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách Nhà nước, qua đó giúp tăng niềm tin của người dân và các đối tác phát triển đối với việc quản lý ngân sách các cấp ở Việt Nam. Và, đây là lần thứ 7 chỉ số OBI được công bố trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam, tuy nhiên chỉ số MOBI là lần thứ 2.

“Kết quả khảo sát cho thấy Việt Nam đã đạt những tiến bộ về công khai minh bạch ngân sách cấp quốc gia và cấp bộ ngành nhưng vẫn có thể cải thiện thêm để thực hiện tốt hơn Luật ngân sách Nhà nước 2015,” bà Hương nói.

Cụ thể, khảo sát công khai ngân sách (OBS) đánh giá độc lập dựa trên bằng chứng, sử dụng các tiêu chí quốc tế về minh bạch ngân sách, trong đó có tính chủ động cung cấp thông tin về ngân sách của Chính phủ và khả năng tiếp cận thông tin ngân sách của công chúng, cơ hội chính thức cho công chúng tham gia vào quy trình ngân sách, vai trò của các cơ quan giám sát ngân sách như cơ quan lập pháp và cơ quan kiểm toán trong quy trình ngân sách.

Về tổ chức thực hiện, khảo sát OBS do Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP) phối hợp với các tổ chức xã hội độc lập tại hơn 100 quốc gia trên thế giới thực hiện. Tại Việt Nam, Trung tâm Phát triển và Hội nhập là đối tác của IBP thực hiện khảo sát OBS từ năm 2012 cho đến nay.

Bà Hương cho biết chỉ số công khai ngân sách (OBI) của Việt Nam có xu hướng tăng và giảm nhẹ qua các kỳ đánh giá 2010-2017, song OBS 2019 đã tăng nhanh trong khảo sát.

Việt Nam lên vị trí 77/117 nước

Báo cáo khảo sát OBS 2019 cho thấy điểm xếp hạng của Việt Nam có sự cải thiện ở cả 3 trụ cột minh bạch, sự tham gia và giám sát ngân sách. Cụ thể, điểm xếp hạng về trụ cột công khai ngân sách của Việt Nam tại kỳ khảo sát OBS năm 2019 đạt 38/100 điểm, tăng 23 điểm so với kỳ đánh giá 2017. Sự tăng điểm mạnh ở trụ cột công khai ngân sách đã góp phần giúp Việt Nam tăng 14 bậc xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách đã đưa Việt Nam lên vị trí 77/117 nước.

Kết quả này có được là do Việt Nam đã thực hiện công bố 7 trong 8 tài liệu ngân sách chủ chốt cần được công khai, gồm có Định hướng xây dựng dự toán ngân sách; Dự thảo dự toán ngân sách trình Quốc hội; Dự toán ngân sách đã được Quốc hội quyết định; Báo cáo ngân sách công dân; Báo cáo tình hình thực hiện dự toán ngân sách quý; Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách năm và Báo cáo kiểm toán ngân sách.

“Điểm nổi bật, nội dung thông tin được cung cấp trong 7 tài liệu được công bố cũng đầy đủ hơn so với kỳ khảo sát OBS 2017,” bà Hương nói.

Về trụ cột về sự tham gia của người dân trong OBS 2019, điểm trung bình của 117 quốc gia tham gia khảo sát là 14/100 điểm. Và, Việt Nam đạt 11 điểm, tăng 4 điểm so với kỳ khảo sát OBS 2017.

Với trụ cột về giám sát ngân sách, Việt Nam là 1 trong số 30 nước có xếp hạng đầy đủ về vai trò giám sát của Quốc hội và Kiểm toán nhà nước trong giám sát ngân sách Nhà nước, điểm xếp hạng chung là 74/100 điểm, tăng 2 điểm so với kỳ khảo sát 2017. Trong đó điểm về vai trò giám sát của Quốc hội đạt 72/100 điểm và của Kiểm toán Nhà nước đạt 78/100 điểm.

Bà Hương nhấn mạnh, kết quả này cho thấy Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các cam kết công khai thông tin về quản lý và sử dụng nguồn lực công để người dân có thể tham gia thảo luận về ngân sách với những cải cách về pháp luật và thể chế quản trị ngân sách theo hướng minh bạch hơn.

(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn)

(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn)

8 đơn vị Trung ương chưa công khai đầy đủ

Về khảo sát chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan trung ương, báo cáo MOBI 2019 đã thực hiện đánh giá mức độ công khai ngân sách của 44 Bộ, cơ quan Trung ương trong đó 38 bộ, cơ quan Trung ương là đơn vị dự toán và 6 cơ quan, tổ chức trung ương được ngân sách hỗ trợ.

Kết quả khảo sát MOBI 2019 cho thấy mức độ công khai ngân sách có sự cải thiện, cụ thể điểm số trung bình đạt 21,2 điểm, tăng 10,2 điểm so với MOBI 2018. Trong số 44 bộ, cơ quan trung ương, có 1 đơn vị đạt mức công khai tương đối và 8 đơn vị đạt mức công khai chưa đầy đủ thông tin về ngân sách.

Về thứ hạng trong MOBI 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu với 73,17 điểm. Đây là đơn vị đạt điểm cao nhất về tính đầy đủ và tính thuận tiện của 5 trên 6 loại tài liệu được công khai (đó là Dự toán năm 2020, Báo cáo tình hình thực hiện dự toán quý 1, 6 tháng, 9 tháng năm 2019 và Quyết toán năm 2018). Xếp thứ hai là Đài Truyền hình Việt Nam với 49,56 điểm quy đổi. Ngoài ra, 24 bộ, cơ quan trung ương có công khai ít nhất một trong số 6 tài liệu quy định phải công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị. Và, có 7 đơn vị chỉ có điểm về tính thuận tiện (tức là có thư mục công khai ngân sách nhưng không có tài liệu kèm theo)…

Theo tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Chuyên gia kinh tế cao cấp, thành viên Liên minh BTAP, kết quả của hai cuộc khảo sát (năm 2018 và 2019) về mức độ công khai ngân sách các cơ quan cấp bộ và cơ quan trung ương trong việc tuân thủ Luật Ngân sách 2015 cho thấy các cơ quan này dù mức độ cam kết đã được cải thiện. Nhưng trên thực tế, các đơn vị vẫn chưa tuân thủ đầy đủ các nội dung trong Luật Ngân sách. So với các địa phương thì các cơ quan trung ương có cấp độ minh bạch kém hơn trong khi tất cả những điều này đã được quy định trong luật.

“Tôi nghĩ các cơ quan trung ương cần gương mẫu hơn trong việc tuân thủ pháp luật, làm gương cho các đơn vị khác trên toàn quốc, trên cơ sở đó góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền đầy đủ ở Việt Nam,” ông Thành nói.

Tại báo cáo, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị Kiểm toán Nhà nước đưa nội dung công khai minh bạch về tài liệu ngân sách của các bộ, ngành, cơ quan trung ương vào nội dung kiểm toán tuân thủ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần thúc đẩy các bộ, cơ quan trung ương thực hiện công khai ngân sách theo quy định pháp luật và phải có chế tài xử lý các đơn vị không thực hiện công khai ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, Chính phủ cần áp dụng biện pháp đánh giá tình hình thi hành pháp luật về công khai ngân sách, báo cáo Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước theo quy định của pháp luật./.

Bà Ngô Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập phát biểu:

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-dat-duoc-nhieu-tien-bo-ve-cong-khai-ngan-sach/649249.vnp