Việt Nam đề cao tầm quan trọng của tiến trình phi thực dân hóa tại LHQ

Việt Nam cho rằng cần thúc đẩy đối thoại chính trị mang tính xây dựng, tìm kiếm hòa bình lâu dài trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.

Bà Nguyễn Phương Trà, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)

Bà Nguyễn Phương Trà, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)

Ngày 13/10, tham gia thảo luận tại Ủy ban Chính trị đặc biệt và Phi thực dân hóa (Ủy ban 4), Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, Đại sứ Nguyễn Phương Trà, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình phi thực dân hóa, tôn trọng các quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc các vùng lãnh thổ không tự quản.

Để đạt được mục tiêu trên, đại diện Việt Nam cho rằng cần thúc đẩy đối thoại chính trị mang tính xây dựng, tìm kiếm hòa bình lâu dài trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và các nghị quyết liên quan của Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó có Nghị quyết 1514 về Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa.

Liên hợp quốc cũng cần bảo đảm rằng hoạt động của các nước quản thác không được ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của người dân các vùng lãnh thổ không tự quản, thay vào đó, hỗ trợ họ giải quyết các thách thức đang phát sinh và thúc đẩy phát triển tại các vùng lãnh thổ này.

Cũng tại phiên họp này, nhiều nước đã phát biểu chia sẻ quan điểm về sự cần thiết thúc đẩy tiến trình phi thực dân hóa hiện nay.

Ủy ban Chính trị đặc biệt và Phi thực dân hóa (Ủy ban 4) là một trong 6 ủy ban chính của Đại hội đồng Liên hợp quốc, có nhiệm vụ xem xét một số vấn đề chính trị đặc biệt và gìn giữ hòa bình, trong đó có vấn đề phi thực dân hóa.

Hiện vẫn còn 17 lãnh thổ không tự quản đặt dưới sự quản lý của các nước quản thác và trong phạm vi thảo luận của Ủy ban 4 gồm Tây Sahara, Anguilla, Bermuda, Virgin Islands (Anh), Cayman Islands, Falkland Islands (Malvinas), Montserrat, Saint Helena, Turks and Caicos Islands, Virgin Islands (Mỹ), Gibraltar, Samoa (Mỹ), Polynesia (Pháp), Guam, New Caledonia, Pitcairn, Tokelau./.

Hải Vân (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-de-cao-tam-quan-trong-cua-tien-trinh-phi-thuc-dan-hoa-tai-lhq/823592.vnp