'Việt Nam đi sau nhưng có thể đón đầu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh'
Tham gia trả lời chất vấn tại Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, thời gian tới sẽ rà soát chính sách tăng trưởng xanh của đất nước, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ.
Thiếu hụt lao động chất lượng cao
Trong phiên chất vấn Nghị trường với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung ngày 6/6, đại biểu Nguyễn Thị Hà - đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định 176 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường lao động Việt Nam bước đầu đã có cải thiện. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực đất nước vẫn ở vị trí thấp so với nhiều nước trong khu vực. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 26%.
"Vậy, Bộ trưởng đánh giá như nào về quá trình triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên? Đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực đất nước mới tiệm cận được với các nước trong khu vực?", đại biểu đặt hỏi chất vấn.
Trả lời câu hỏi đại biểu Nguyễn Thị Hà, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thị trường lao động hiện có quy mô ở độ tuổi từ 15 trở lên là 55 triệu người. Cho đến quý 1/2023, số người tham gia thị trường lao động là 51,4 triệu người.
Trong thị trường lao động này, nếu nhìn cả quá trình, thị trường lao động Việt Nam còn non trẻ, nhưng đã có bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về quy mô, chất lượng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, kỹ năng của lực lượng lao động còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau trên 70%, nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt hơn 26% (tính đến quý I/2023).
"Các nước trên thế giới chủ yếu đánh giá lao động được đào tạo qua chứng chỉ, bằng cấp. Nếu nhìn lại, chúng ta không phải quá thấp nhưng thấp hơn so với các nước đang phát triển, đây là vấn đề cần phải quan tâm. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là trong thị trường lao động, cơ cấu về lực lượng lao động không cân đối, đặc biệt là lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, lao động có kỹ năng thì thấp", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Ông cũng cho rằng, trong thực tiễn, khi các nhà đầu tư đến Việt Nam, bao giờ cũng đặt vấn đề về hạ tầng và nguồn nhân lực. "Hạ tầng thì cả quá trình phát triển, nhưng băn khoăn của các nhà đầu tư hiện nay là chú trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi chúng ta lại thiếu hụt nguồn nhân lực này. Do vậy, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách đào tạo nguồn nhân lực theo hướng hiện đại, linh hoạt, bền vững", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Cơ chế đột phá nào với nguồn nhân lực để Việt Nam sớm làm chủ công nghệ lõi?
Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ đặc biệt quan tâm tới nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp (R&D). Hiện nay, hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Samsung, LG, Intel, Bosch,...đã và đang có kế hoạch thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Theo đó, dự án R&D tại Việt Nam đang gia tăng cả về số lượng và quy mô, vấn đề đặt ra là Việt Nam có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu này không?
Số liệu Sách Trắng cho thấy, nguồn nhân lực R&D Việt Nam thuộc khu vực doanh nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ chỉ 15,17%, trong khi Đức đạt 63,6%, Hàn Quốc 77%. Đại biểu đặt vấn đề, nếu có những cơ chế chính sách đột phá đối với nguồn nhân lực, Việt Nam có thể sớm làm chủ công nghệ lõi, công nghệ nền tảng, đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này.
Tham gia trả lời cùng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, liên quan đến nội dung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mà đại biểu đặt ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, thời gian tới từ góc độ về quan điểm tư duy, chủ trương sẽ rà soát chính sách tăng trưởng xanh của đất nước, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ. Tất cả những vấn đề này có liên quan mật thiết đến một trong ba đột phá đó là phát triển nguồn nhân lực.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã thành lập quỹ, nhưng như các đại biểu Quốc hội nêu, năng suất lao động chưa có sự bứt phá. Do vậy, cần tập trung cho vấn đề nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tập trung đầu tư cho nguồn nhân lực, có sự kết nối liên thông từ giáo dục phổ thông đến giáo dục trung, cao đẳng, đại học, cao học và giáo sư, tiến sĩ.
Điều này đòi hỏi sự kết nối liên thông giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu và chuyển giao công nghệ và nghiên cứu triển khai. Trong đó, đào tạo cần sự phân bổ các nguồn lực để tập trung đào tạo, đặc biệt đối với doanh nghiệp cần quan tâm đến nghiên cứu liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dược sinh học, kết nối vạn vật, máy tính lượng tử, năng lượng mới.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đây là những tiềm năng tạo ra công ăn việc làm cho lao động. Xuất phát điểm phải bắt đầu từ nguồn lực, nên Việt Nam có thể đi sau nhưng có thể đón đầu, đặc biệt liên quan đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.