Việt Nam điểm báo: Tổng thống Hàn Quốc thăm chính thức Việt Nam làm sâu sắc hơn mối quan hệ hai nước

Tổng thống Hàn Quốc thăm chính thức Việt Nam làm sâu sắc hơn mối quan hệ hai nước; Việt Nam dự kiến xuất khẩu cà phê năm 2023 đạt mức cao kỷ lục mới do sản lượng toàn cầu giảm so với nhu cầu; Phát triển kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu cần chú trọng hình thức đối tác công tư;...Là những tin tức đáng chú ý trong Việt Nam điểm báo ngày 18/6.

Tổng thống Hàn Quốc thăm chính thức Việt Nam làm sâu sắc hơn mối quan hệ hai nước

Trang KBS world của Hàn Quốc đưa tin Tổng thống nước này Yoon Suk-yeol sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 21 đến ngày 24/6 nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Theo kế hoạch, Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và thảo luận các biện pháp làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập giữa hai nước vào năm ngoái. Ông Yoon Suk-yeol cũng sẽ có các cuộc hội đàm riêng rẽ với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Theo KBS world, đây là chuyến thăm song phương đầu tiên của Tổng thống Yoon Suk-yeol tới một quốc gia trong khu vực ASEAN. Đáng chú ý, chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ có sự tháp tùng của phái đoàn kinh tế Hàn Quốc quy mô 205 người, bao gồm lãnh đạo của 5 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc.

Việt Nam dự kiến xuất khẩu cà phê năm 2023 đạt mức cao kỷ lục mới do sản lượng toàn cầu giảm so với nhu cầu

Đây là thông tin được đăng tải trên tờ China.org.cn. Bài viết dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 5 đã tăng 28,5% lên 418 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, cà phê robusta Việt Nam tiếp tục đà tăng trong tuần trước và đạt mức cao mới trong ba tháng qua lên 61.800 đồng Việt Nam (2,6 USD)/kg, sau khi tăng 25% trong ba tháng đầu năm kể từ cuối năm ngoái. Năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu 1,7 triệu tấn cà phê, thu về mức cao kỷ lục 3,9 tỷ USD. Việt Nam hiện là nhà cung cấp cà phê robusta lớn nhất thế giới với sản lượng tăng đều từ khoảng 78.000 tấn năm 1990 lên khoảng 1,84 triệu tấn niên vụ 2021-2022.

Phát triển kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu cần chú trọng hình thức đối tác công tư

Đề cập đến phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, trên trang tin của mình, Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ) công bố báo cáo phân tích những tác động cụ thể của biến đổi khí hậu đến kinh tế từng vùng miền của Việt Nam. Từ đó, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được cho là một trong những giải pháp quan trọng.

Trong báo cáo mang tên “Phát triển kinh tế có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu”, báo cáo của GIZ đã đưa ra những dự báo cụ thể đến năm 2100 cho thấy cứ theo đà hiện nay, biến đổi khí hậu sẽ tác động không nhỏ đến các lĩnh vực kinh tế của từng khu vực tại Việt Nam. Những ảnh hưởng này rõ ràng nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm GDP vùng giảm 8-8.76% trong giai đoạn 2055-2079. Đối với từng ngành nghề, báo cáo chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu có tác động lớn nhất đến nông nghiệp và các dịch vụ.

Từ đó, báo cáo đưa ra nhận định kết quả này có nguy cơ làm gia tăng chênh lệch kinh tế - xã hội giữa các vùng nếu Việt Nam không thực hiện đầy đủ các biện pháp thích ứng và chống biến đổi khí hậu.

Báo cáo khuyến nghị một số giáp pháp giúp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu: Thứ nhất là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và đổi mới sáng tạo để thích ứng tốt hơn với tình trạng giảm năng suất lao động do BĐKH gây ra.

Thứ hai là tạo thuận lợi cho các chủ thể (nông dân, doanh nghiệp) triển khai các biện pháp thích ứng chủ động để tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành nông lâm nghiệp thông qua các chính sách ưu đãi của Chính phủ như tập huấn, phổ biến kỹ thuật; tăng khả năng tiếp cận tín dụng; và thúc đẩy bảo hiểm nông nghiệp nhằm thu hút đầu tư tư nhân và khuyến khích thay đổi nhận thức, hành vi và hành động.

Thứ ba là ưu tiên đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với BĐKH bao gồm hệ thống đê điều, nhà ở, cấp thoát nước và giao thông dựa trên cách tiếp cận thuận theo tự nhiên.

Và thứ tư là tăng cường năng lực nghiên cứu và đào tạo về đánh giá tác động kinh tế-xã hội của BĐKH để có cơ sở khoa học xây dựng các chính sách thích ứng phù hợp, đảm bảo tăng trưởng bền vững, bao trùm và công bằng

Báo cáo khẳng định lộ trình thích ứng tổng thể đòi hỏi những thay đổi căn bản ở quy mô liên ngành, liên vùng với quyết tâm cao và nguồn lực từ cả khu vực công và tư nhân.

Bánh cuốn Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài

Món bánh cuốn của Việt Nam là món ăn giản dị nhưng được rất nhiều du khách nước ngoài ưu tiên nếm thử khi lần đầu đặt chân tới Việt Nam. Mới đây, Tạp chí du lịch hàng đầu của Australia Traveller đã bình chọn bánh cuốn Việt Nam lọt top những món ăn hấp dẫn nhất thế giới.

Bài báo dẫn lời Traveller cho biết, bánh cuốn là món ăn giản dị và ít được ưa chuộng hơn so với phở và bún chả. Tuy nhiên, tác giả bài viết nhận định “Có một sự kỳ diệu đối với cách làm ra phần vỏ bánh này trước khi chúng cuốn quanh các loại nhân mặn và ăn kèm với các loại rau thơm và nước chấm”.

Theo tác giả bài viết, món ăn này có thể được tìm thấy trên khắp Việt Nam, nhưng mỗi vùng lại có sự khác biệt về nguyên liệu, cách chế biến và khẩu vị.

Loại bánh cuốn nổi tiếng nhất và địa danh được cho là ở cái nôi của bánh cuốn, đó là Thanh Trì, một vùng ngoại ô cổ kính của Hà Nội. Bánh cuốn Thanh Trì mỏng như tờ giấy, nhìn gần như trong suốt. Thịt lợn băm và mộc nhĩ được cuộn trong vỏ bánh, ăn kèm với nước chấm. Chúng cũng có thể được ăn kèm với chả quế hoặc chả lụa để tăng hương vị.

Khác với bánh cuốn Hà Nội, bánh cuốn Phủ Lý, Hà Nam không có nhân. Loại bánh cuốn này được ăn nguội với thịt nướng thay vì chả quế. Ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, bánh cuốn được ăn với nước hầm xương thay vì nước mắm như ở Hà Nội. Ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh của Việt Nam, bánh cuốn còn được gọi là bánh mướt.

Không chỉ Traveller của Australia, chuyên trang du lịch nổi tiếng tại Mỹ là Travel and Leisure cũng liệt kê bánh cuốn cùng phở và bánh mì là 3 món ăn mà du khách nên nếm thử khi đến Việt Nam.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/viet-nam-diem-bao-tong-thong-han-quoc-tham-chinh-thuc-viet-nam-lam-sau-sac-hon-moi-quan-he-hai-nuoc