Việt Nam: Điểm sáng bất động sản công nghiệp xanh giữa dòng chảy toàn cầu

Trong hai thập kỷ qua, chuỗi cung ứng toàn cầu đã hứng chịu không ít 'cú đấm' từ khủng hoảng tài chính, đại dịch COVID-19, thiên tai khắc nghiệt đến những chính sách thương mại cứng rắn. Giữa bối cảnh đó, bất động sản công nghiệp nổi lên như một trụ cột chiến lược, giữ vai trò then chốt trong việc duy trì dòng chảy sản xuất và phân phối toàn cầu.

Xu hướng “xanh hóa” của các nhà phát triển bất động sản đang trở thành lợi thế cạnh tranh quan trọng

Xu hướng “xanh hóa” của các nhà phát triển bất động sản đang trở thành lợi thế cạnh tranh quan trọng

Việt Nam với lợi thế cạnh tranh

Bà Trang Bùi - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, Việt Nam tiếp tục là quốc gia đầy tiềm năng khi các nhà sản xuất toàn cầu tìm cách xây dựng chuỗi cung ứng đa dạng và bền vững hơn. Dù cuộc chiến thuế quan mới chưa ngã ngũ, Việt Nam vẫn đón tín hiệu tích cực với kịch bản thuế thực tế khoảng 20%, duy trì lợi thế cạnh tranh vượt trội so với Trung Quốc và một số nước trong khu vực.

Trong bức tranh kinh tế đầy biến động, bất động sản công nghiệp đang nổi lên như một trụ cột chiến lược, giữ vai trò then chốt trong việc duy trì và thúc đẩy chuỗi sản xuất, phân phối toàn cầu. Đặc biệt, xu hướng "xanh hóa" do các nhà phát triển tiên phong đang trở thành lợi thế cạnh tranh vượt trội.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp đa quốc gia ưu tiên lựa chọn các cơ sở hạ tầng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị). Điều này không chỉ cho thấy sự dịch chuyển sang phát triển bền vững, mà còn khẳng định giá trị bền vững của các dự án bất động sản công nghiệp thân thiện với môi trường, góp phần định hình tương lai của ngành.

Khảo sát của Cushman & Wakefield chỉ ra "tính bền vững" là một trong ba tiêu chí hàng đầu khi doanh nghiệp lựa chọn bất động sản thương mại. Hơn 70% sẵn sàng trả thêm 7-10% giá thuê cho các công trình xanh nhằm đạt mục tiêu giảm phát thải. Doanh nghiệp không chỉ tìm kiếm không gian sản xuất hiệu quả mà còn kỳ vọng vào hạ tầng giúp họ hiện thực hóa cam kết phát triển bền vững.

Việt Nam đang hội tụ đầy đủ những lợi thế này. Dù giá thuê nhà xưởng năm 2025 tăng 70% so với 2019, mức trung bình 4-7 USD/m²/tháng vẫn hấp dẫn hơn so với các thị trường khác trong khu vực. Tổng nguồn cung nhà xưởng hơn 11 triệu m2 sàn, tăng 113% so với 2019, với tỷ lệ lấp đầy ổn định 85-90%.

Ngoài ra, chi phí lao động tại Việt Nam chỉ bằng khoảng 25% mức lương trung vị toàn cầu, xếp vào nhóm thấp nhất Châu Á - Thái Bình Dương. Giá điện cho sản xuất công nghiệp cũng đứng thứ ba các nước thấp nhất toàn cầu.

Việt Nam hưởng lợi từ chiến lược "China+1" và "nearshoring", thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ. Từ năm 2021 đến tháng 5/2025, Việt Nam đã cấp phép cho 12.225 dự án FDI mới, với vốn thực hiện các tháng đầu năm 2025 đạt mức cao nhất 5 năm.

Chuỗi cung ứng xanh

Cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26 đã thúc đẩy Việt Nam ban hành nhiều chính sách quan trọng. Mục tiêu 150 công trình xanh vào năm 2030 đã được vượt xa, với hơn 250 công trình được chứng nhận USGBC tính đến năm 2025, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 28 toàn cầu.

Điều đáng chú ý, khoảng 75% các công trình đạt chứng chỉ LEED thuộc phân khúc nhà xưởng công nghiệp và văn phòng, chiếm 80% tổng diện tích sàn xây dựng. Các nhà phát triển không chỉ tập trung vào kỹ thuật và vật liệu xanh trong xây dựng, mà còn tích hợp thiết kế thông minh, công nghệ tiết kiệm năng lượng và môi trường làm việc lành mạnh ngay từ giai đoạn hoạch định chiến lược.

Điển hình là dự án nhà xưởng xây sẵn KTG Industrial VSIP Bắc Ninh 2. Ông Đặng Trọng Đức, CEO của KTG Industrial chia sẻ: "Chúng tôi đặt tầm nhìn bền vững của dự án ngay từ khâu hoạch định không chỉ là minh chứng cho chất lượng xây dựng, mà còn mong muốn mang lại lợi ích thiết thực cho các nhà sản xuất".

Dự án quy mô 14 ha này được thiết kế theo tiêu chuẩn LEED Gold, tích hợp hệ thống chiếu sáng LED, thiết bị tiết kiệm nước, giếng trời tận dụng ánh sáng tự nhiên và mái nhà sẵn sàng lắp đặt điện mặt trời, cùng không gian xanh được bố trí hợp lý.

Việt Nam đã trở thành điểm đến chiến lược của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới như Samsung, Intel, LG, Foxconn, NVIDIA, Toyota, Unilever, P&G, Nike, Adidas... Sự hiện diện của các "Queen Bee" này không chỉ tạo ra hàng chục nghìn việc làm chất lượng cao mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ.

Áp lực tuân thủ các tiêu chuẩn ESG từ đối tác và nhà đầu tư toàn cầu đang lan tỏa xuống toàn bộ chuỗi cung ứng. Nhiều tập đoàn đa quốc gia yêu cầu nhà cung cấp, từ sản xuất bao bì, nguyên liệu đến logistics, phải đạt các chứng chỉ xanh như LEED, EDGE hoặc ISO 14001. Điều này thúc đẩy nhu cầu thuê nhà xưởng xanh tại Việt Nam tăng mạnh, đặc biệt từ các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, và cả những doanh nghiệp đa quốc gia mở rộng từ Trung Quốc sang.

Bà Trang Bùi nhận định, các nhà đầu tư ngày nay luôn lên kế hoạch đầu tư ngắn hạn dựa trên chiến lược tài sản tổng thể, đồng thời hướng đến mục tiêu dài hạn. Những tài sản có lịch sử carbon rõ ràng và lộ trình phát triển bền vững sẽ luôn hấp dẫn hơn.

Thị trường nhà xưởng tại Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và định hướng phát triển bền vững. Với sự đồng hành của các đơn vị tư vấn và cam kết ESG từ các nhà phát triển trong và ngoài nước, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư công nghiệp toàn cầu.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/viet-nam-diem-sang-bat-dong-san-cong-nghiep-xanh-giua-dong-chay-toan-cau-167956.html