Việt Nam – điển hình của công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới

Vào hồi 10h30' giờ địa phương (tức 12 giờ Hà Nội), ngày 24/7, tại Kỳ họp lần thứ 46 của Ủy Ban Di sản Thế giới diễn ra ở Thủ đô New Delhi, Ấn Độ, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới đã gõ búa thông qua quyết định, chính thức đồng thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Ủy ban Di sản thế giới đã ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong quá trình thực hiện toàn bộ các cam kết của Chính phủ Việt Nam từ khi di sản được ghi danh năm 2010 đến nay. Hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được thông qua mở ra việc khơi thông Trục Hoàng Đạo, tiến tới khôi phục không gian và Chính điện Kính Thiên.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định ý nghĩa đặc biệt quan trọng của hồ sơ “ưu tiên của mọi ưu tiên”; nhấn mạnh các thành viên Ủy ban Di sản thế giới đánh giá cao tinh thần cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác, đồng hành với Trung tâm Di sản thế giới, ICOMOS để hiện thực hóa nguyện vọng của dân tộc trên cơ sở bảo đảm đúng các quy định của Công ước Di sản thế giới, tuân thủ cam kết của Việt Nam, phát huy hơn nữa giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

Phái đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 46 của Ủy Ban Di sản Thế giới diễn ra ở Thủ đô New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: Phái đoàn cung cấp

Phái đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp lần thứ 46 của Ủy Ban Di sản Thế giới diễn ra ở Thủ đô New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: Phái đoàn cung cấp

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhấn mạnh, việc hồ sơ được thông qua như một nén tâm nhang để thành kính dâng lên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Người luôn quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Hoàng Thành Thăng Long - biểu tượng thiêng liêng của dân tộc, trung tâm quyền lực chính trị liên tục trong 13 thế kỷ của Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thị Thu Hà cho biết, kết quả đạt được tại Kỳ họp lần này đánh dấu sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của các nhà khoa học trong và ngoài nước với thành phố Hà Nội trong quá trình xây dựng, đệ trình và vận động cho Hồ sơ khoa học, cũng như sự tư vấn tận tình của các cơ quan chuyên môn của UNESCO là Trung tâm Di sản thế giới và ICOMOS.

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo khẳng định, hồ sơ có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Việt Nam mà còn với thế giới, gắn với những vấn đề mới liên quan tiến trình phát triển của di sản; coi đây là hình mẫu hợp tác giữa quốc gia thành viên với UNESCO và cơ quan tư vấn và cũng là điển hình của việc bảo tồn di sản thế giới.

Anh Tuấn/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/viet-nam-dien-hinh-cua-cong-tac-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-the-gioi-post1110032.vov