Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 55
Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử 'Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.
Kỳ 55
13. Đạo thừa tuyên Quảng Nam
Năm 1471, vùng đất phía Nam Thuận Hóa mới chiếm được từ Chiêm Thành được đặt thành đạo thừa tuyên thứ 13, gọi là Quảng Nam. Gồm các phủ: Thăng Hoa gồm các huyện Lê Giang (Thăng Bình), Hà Đông (Tam Kỳ), Duy Xuyên. Phủ Tư Nghĩa gồm các huyện Nghĩa Giang (Tư Nghĩa và một phần Nghĩa Hành), Mộ Hoa (Mộ Đức và một phần Đức Phổ). Phủ Hoài Nhơn gồm các huyện Bồng Sơn (Bồng Sơn và một phần huyện Hoài Ân), Phù Ly (Phù Mỹ và Phù Cát), Tuy Viễn (An Nhơn và Tuy Phước ).
Năm 1490, 13 thừa tuyên lại đổi thành 13 xứ:
1. Nam sách gồm Hải Dương, Hải Phòng, quản lĩnh 4 phủ, 18 huyện.
2.Thiên Trường (Sơn Nam) gồm Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam và 1 phần Nam Thăng Long, quản lính 11 phủ, 42 huyện
3.Quốc Oai (Sơn Tây) gồm Sơn Tây, Tây bắc Thăng Long, Vĩnh Phúc, quản lĩnh 6 phủ 22 huyện.
4.Bắc Giang, (Kinh Bắc) gồm Bắc Giang, Bắc Ninh, quản lĩnh 4 phủ, 19 huyện
5.An Bang (Quảng Ninh) quản lĩnh 1 phủ, 3 huyện.
6.Tuyên Quang gồm Tuyên Quang, Hà Giang, Quản lĩnh 1 phủ, 2 huyện, 5 châu.
7.Hưng Hóa gồm Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên Phủ, Sơn La, Hòa Bình, quản lĩnh 3 phủ, 4 huyện 17 châu.
8.Lạng Sơn quản lĩnh 1 phủ 7 châu.
9.Thái Nguyên gồm Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, quản lĩnh 3 phủ, 8 huyện, 7 châu.
10.Thanh Hóa gồm Thanh Hóa, Ninh Bình, quản lĩnh 4 phủ, 16 huyện, 4 châu
11.Nghệ An gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, quản lĩnh 8 phủ, 18 huyện, 2 châu.
12.Thuận Hóa gồm Quảng Bình, Quảng Trị, thừa Thiên Huế, quản lĩnh 2 phủ, 7 huyện, 4 châu.
13.Quảng Nam gồm Bình Định Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Tháng 6 năm 1467 ra lệnh vẽ bản đồ ở 13 Thừa tuyên, sau đó gửi lên Bộ hộ tổng hợp vẽ bản đồ Đại Việt. Ngày 5 tháng 4 âm lịch 1490 bản đồ Đại Việt Được hoàn thành gọi là bản đồ Hồng Đức gồm 13 thừa tuyên, 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 637 trang, 40 sách, 30 nguồn, 30 trường. Tháng 9 âm lịch 1471, Lê Thánh Tông đặt chức Giam sát ngự sử 13 đạo chuyên làm nhiệm vụ giám sát quan lại các đạo, ngặn không cho họ nhũng lạm.
Bộ máy Nhà nước thời Lê sơ là bộ máy quan liêu, nặng nề, quan chức trong kinh và ngoài các đạo có tới 5.398 viên chức. Quan chức có nhiều đặc quyền đặc lợi, theo thứ bậc cao thấp mà cấp ruộng thế nghiệp, lộc điền, người phục dịch. Theo chức quan mà quy định trang phục, màu sắc quần áo, dân thường không được bắt chước.
Quân đội: Nhà Lê chú ý xây dựng quân đội hùng mạnh. Thời kháng chiến chống Minh, Lê Thái Tổ đã có 35 vạn quân, thực hiện chính sách “Ngụ binh, ư nông”, đầu năm 1429 Lê Thái Tổ cho 25 vạn quân về làm ruộng, chỉ để lại 10 vạn chia làm 5 phiên, cứ 4 phiên thay nhau về làm ruộng, 1 phiên ở lại thường trực. Nếu có chiến tranh mới huy động hết và nhanh chóng tập trung binh lực. Năm 1466 Lê Thánh Tông chia quân làm 2 loại: Thân binh (cấm binh) để bảo vệ kinh thành và ngoại binh để trấn giữ các xứ. Thời kỳ này cũng xây dựng chế độ tuyển quân chặt chẽ.
Cải cách phương thức tuyển quân và luyện quân. Qui chế tuyển quân chặt chẽ. Luyện tập qui chế hóa theo quân binh chủng. Phương thức tổ chức gồm quân cấm vệ ở kinh đô. Ngoại binh trấn giữ các đạo. Nhà vua trực tiếp nắm và chỉ huy quân đội. Các võ quan bị chi phối nhiều cực đa chiều, chịu sự quản lý từ nhiều phía. Không cơ quan nào nhiều quyền hành. Quân đội thời Lê Thánh Tông hùng mạnh, tổ chức chặt chẽ. Thời kỳ này quân đội khoảng 30-40 vạn. Lê Thánh Tông là nhà quân sự có tài, ban bố nhiều chính sách nhằm củng cố nâng cao sức mạnh quân đội Đại Việt. Tháng 7 âm lịch năm 1460 ông chỉ thị cho các Tổng Quản, chỉ huy các vệ quân 5 đạo và quân các phủ trấn phải cho quân lính luyện tập côn quyền võ bị. Khoảng năm 1465-1470 Lê Thánh Tông ban hành chính sách tuyển quân. Trừ các hàng chức sắc, quan lại dân đinh từ 18 tuổi trở lên đều phải đăng ký vào hộ tịch và được chia làm các hạng tráng, quân hạng, dân hạng, lão hạng, cố hạng, cùng hạng. Nhà có 4 người thì 2 người hạng dân, nhà có 5 đinh thì có 2 người bổ ngạch lính, 1 người bổ hạng quân ứng vụ. Thời Lê Thái Tổ, trừ cấm quân còn chia quân làm 5 đạo Bắc đạo, Nam đạo, Đông đạo, Tây đạo và Hải Tây Đạo. Năm 1466 Lê Thánh Tông đổi vệ quân 5 đạo thành quân 5 phủ bao gồm Bắc quân phủ ở mạn Kinh Bắc, Lạng Sơn, Trung quân phủ cai quản vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Đông quân phủ cai quản vùng Hải Dương, An Bang, Tây quân phủ cai quản vùng Tam Giang, Hưng Hóa, Nam quân phủ cai quản vùng Sơn Nam, Thuận Hóa, Quảng Nam. Riêng Thái Nguyên và Tuyên Quang có Quân phụng trực trấn thủ. Mỗi quân có phủ Đô đốc chỉ huy, chức quan cao nhất trong phủ này là Tả hữu đô đốc. Biên chế mỗi quân có 6 vệ, mỗi vệ có 5 đến 6 sở, mỗi sở có 20 đội, mỗi đội gồm 20 người. Cả 5 phủ đô đốc có khoảng 7 vạn quân. Đưới Đô đốc là Tổng kỳ, Tiểu tổng kỳ, Quân lại. Với cấm quân, năm 1470 Lê Thánh Tông lập các vệ quân Kim Ngô, Cẩm y Vệ. Vệ Kim Ngô được họp từ hai ty tráng sĩ, Thần Tý, vệ Cẩm Y được họp từ hai ty binh mã, Nghi vệ, còn lập thêm bốn vệ thần Hiệu lực, bốn vệ Thần vũ, sáu điện tiền, bốn vệ tuần tượng cùng bốn vệ mã nhạn. Năm 1490 Vệ cẩm y có tới 20 ty, Vệ kim ngô có 100 ty. Năm đi đánh Chiêm Thành, Bồn Man, quân đại Việt Thủy bộ có tới 26 hoặc 30 vạn người. Cuối năm 1465, Lê Thánh Tông đặt ra phép tập trận đồ quân thủy bộ. Đối với thủy quân, ông ban các trận đồ: Trung hư, Thường sơn xà, Mãn thiên tinh, Nhạn hàng, Liên châu, Ngư đội, Tam tài, Thất môn, Yển nguyệt, cùng 32 điều quân lệnh về thủy trận. Bộ quân thì có các trận đồ: Trương cơ, Tương kích, Cơ binh, và 32 điều quân lệnh về tượng trận, 27 điều quân lệnh về mã trận, 42 điều về bộ trận dành cho quân Kinh vệ (về sau, tháng 3 âm lịch năm 1484, ông còn ban bố điều lệnh Hồng Đức quân vụ, gồm 27 điều). Mùa xuân năm 1467, Thánh Tông đi tuần nhiều nơi, tổ chức nhiều đợt diễn tập lớn cho quân đội. Cũng trong tháng 2 âm lịch năm 1467, Lê Thánh Tông bãi chức hai Trấn điện phó tướng quân Lê Hán Đình và Nguyễn Đức. Lê Hán Đình trước làm Chuyển vận, có hành vi tham nhũng nên sợ dân hặc tội, phải cáo bệnh xin nghỉ. Sau Hán Đình cùng Thái Chúc thừa Nguyễn Đức được Chỉ huy sứ Đào Bảo tiến cử với vua, nói hai người này thạo binh pháp. Lê Hán Đình và Nguyễn Đức dâng Thánh Tông các trận đồ Trung hư, Mãn thiên tinh và Thường sơn xà... Thánh Tông hài lòng, phong cả hai làm Trấn điện phó tướng quân và sai quân 5 phủ tập theo trận đồ do hai người đề xuất. Quân sĩ tập 2 đến 3 lần nhưng không đạt hiệu quả. Thánh Tông lại cho hai người ra dạy, nhưng vẫn không được. Cuối cùng Thánh Tông tức giận, phạt đánh bằng trượng rồi sa thải cả hai. Lê Thánh Tông còn đặt lệ tổ chức thi võ ba năm một lần ở kinh sư. Vũ khí quân sự dưới thời Lê Thánh Tông đã có những tiến bộ vượt bậc, do vốn có các kỹ thuật và sáng chế cùng kĩ năng chế tạo vũ khí cực kì tinh xảo của Đại Việt thời nhà Hồ về vũ khí tầm xa như hỏa thương, hỏa hổ, súng thần công... hợp với số vũ khí khá tân tiến thu được trước đây trong cuộc Khởi nghĩa Lam Sơn đã tạo nên cho Đại Việt một kho vũ khí đa dạng và hùng mạnh, có thể vượt xa so với vũ khí châu Âu cùng thời về sát thương và chất lượng.
(Còn nữa)
CVL