Việt Nam đóng góp vào tăng cường các hoạt động nhân đạo và tôn trọng Luật Nhân đạo quốc tế
Việt Nam đề xuất tăng cường vai trò điều phối của Liên hợp quốc, đảm bảo đảm tiếp cận nhân đạo cho các nhóm dễ bị tổn thương.
Từ ngày 28-31/10, đoàn đại biểu Việt Nam do Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sỹ làm trưởng đoàn; cùng đoàn Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam do bà Bùi Thị Hòa, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội dẫn đầu, đã tham dự Hội nghị quốc tế lần thứ 34 của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Geneva, Thụy Sỹ.
Với chủ đề “Điều phối sự bất ổn, tăng cường tính nhân đạo”, Hội nghị là diễn đàn chính thức để các nước thành viên các Công ước Geneva năm 1949 và các thành phần trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khẳng định cam kết thực thi đầy đủ Luật Nhân đạo quốc tế, nhất là trong bối cảnh thế giới đang diễn ra khoảng 120 cuộc xung đột, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, thông tin truyền thông và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải củng cố pháp luật quốc tế để tạo thuận lợi các hoạt động nhân đạo.
Đồng thời, Hội nghị là dịp để Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ các quốc gia trao đổi về vai trò tư vấn và hỗ trợ các chính phủ xây dựng và thực thi khung pháp lý và chính sách hiệu quả về quản trị rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu; việc tôn trọng các nguyên tắc nhân đạo cơ bản và nhấn mạnh vai trò của các chủ thể địa phương trong công tác nhân đạo.
Phát biểu tại Hội nghị, đoàn Việt Nam nhấn mạnh cam kết trong việc tuân thủ Luật Nhân đạo quốc tế, cũng như giá trị và tính thời sự của các Công ước Geneva trong việc thúc đẩy hòa bình và bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang.
Đoàn Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng di cư cưỡng bức; bảo vệ môi trường tự nhiên trong các cuộc xung đột vũ trang; bảo vệ dân thường cũng như hạ tầng thiết yếu; đề xuất tăng cường vai trò điều phối của Liên hợp quốc, đảm bảo đảm tiếp cận nhân đạo cho các nhóm dễ bị tổn thương và xây dựng khả năng chống chịu trước thiên tai.
Hội nghị quốc tế của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ được tổ chức 4 năm một lần, với sự tham dự của đại diện chính phủ các nước thành viên các Công ước Geneva năm 1949, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC), các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia, cùng các tổ chức quốc tế khác.
Đây là Hội nghị quan trọng nhất của phong trào nhân đạo quốc tế, nhằm củng cố và thúc đẩy thực thi Luật Nhân đạo quốc tế, tăng cường bảo vệ dân thường trong xung đột vũ trang, thảo luận các vấn đề nhân đạo mới nảy sinh và định hướng phong trào nhân đạo trong tương lai.
Hội nghị năm nay có sự tham gia của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ từ 191 quốc gia và 196 đoàn đại biểu từ các chính phủ.