Việt Nam đứng thứ 48 về đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022

Mới đây, tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) vừa công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), trong đó ghi nhận Việt Nam xếp thứ 48/132 về đổi mới sáng tạo trên thế giới, thuộc nhóm những quốc gia đạt nhiều tiến bộ nhất trong thập kỷ qua.

Sinh viên Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) thực hành sử dụng cánh tay robot (Ảnh: phenikaa-uni.edu.vn)

Sinh viên Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội) thực hành sử dụng cánh tay robot (Ảnh: phenikaa-uni.edu.vn)

Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022 (GII) là bộ công cụ đánh giá xếp hạng năng lực đổi mới sáng tạo của các quốc gia dựa trên 81 chỉ số với 7 trụ cột: Thể chế vĩ mô; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; thị trường và môi trường kinh doanh; trình độ phát triển của thị trường; tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo.

Tổng quan về tình hình đổi mới sáng tạo thế giới

Theo báo cáo, Thụy Sĩ vẫn tiếp tục đứng đầu về đổi mới sáng tạo năm thứ 12 liên tiếp. Trong khi đó, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (US) đã vượt qua Thụy Điển để leo lên vị trí thứ 2 và tiếp tục đứng đầu nhiều hạng mục nhất trên thế giới, tại 15/81 chỉ tiêu đổi mới trong năm 2022.

Kể từ năm 2009, đây là lần đầu tiên Đức đạt vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng sau khi lọt vào top 10 năm 2016. Đây là thứ hạng cao nhất của quốc gia này kể từ năm 2009. Trong khi đó, Singapore đã tiếp tục quay trở lại vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng năm nay.

Trong khi đó, thứ hạng của Trung Quốc đang tiến gần đến top 10, với vị trí thứ 11 trên bảng xếp hạng. Trung Quốc vẫn là nền kinh tế có thu nhập trung bình duy nhất trong top 30, và đứng ở vị trí thứ nhất trong nhóm các nước có thu nhập trung bình cao (upper-middle income countries).

Ngoài Trung Quốc, chỉ có bốn nền kinh tế thu nhập trung bình khác trong số 40 nền kinh tế hàng đầu về đổi mới. Cụ thể, Bulgaria (thứ 35) và Malaysia (thứ 36) giữ nguyên thứ hạng như năm 2021. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ lần đầu tiên lọt vào top 40, lần lượt xếp vị trí 37 và 40 trên bảng xếp hạng.

Trong khi đó, Ấn Độ đã vượt qua Việt Nam (thứ 48) và trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp hàng đầu về đổi mới.

Hoa Kỳ dẫn đầu trong 15/81 chỉ tiêu đổi mới, tăng hai chỉ tiêu so với năm 2021. Đây là quốc gia đứng ở vị trí số một trên thế giới trong các chỉ tiêu như chỉ tiêu nhà đầu tư R&D của các công ty toàn cầu, nhà đầu tư mạo hiểm, chất lượng của các trường đại học, chất lượng và tác động của các ấn phẩm khoa học (chỉ số H), số lượng bằng sáng chế theo nguồn gốc, chi tiêu cho phần mềm máy tính và cường độ tài sản vô hình của công ty.

Theo sau Hoa Kỳ là Singapore khi đứng đầu tổng cộng 11 chỉ tiêu, (tăng 1 chỉ tiêu so với năm 2021). Các chỉ tiêu mà Singapore đứng đầu bao gồm: hiệu quả hoạt động của Chính phủ, khả năng tiếp cận CNTT-TT, nhà đầu tư mạo hiểm, sản xuất công nghệ cao.

Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Israel cùng đứng ở vị trí thứ 3, khi lần lượt đạt thứ hạng cao nhất ở các chỉ tiêu nhãn hiệu, nhập khẩu công nghệ cao và chi tiêu cho R&D. Tiếp theo là Malta ở vị trí thứ 6, dẫn đầu về các thương vụ liên doanh/liên minh chiến lược. Hàn Quốc đứng thứ 7, dẫn đầu về số lượng các nhà nghiên cứu.

Nhật Bản và Síp đồng hạng ở vị trí thứ 8, đứng thứ nhất về số lượng bằng sáng chế và Tạo ứng dụng di động. Cuối cùng, Thụy Sĩ, Estonia và Iceland cùng chia sẻ vị trí thứ 10, lần lượt dẫn đầu về bằng sáng chế PCT, Doanh nghiệp mới và sử dụng CNTT-TT.

Theo báo cáo GII 2022, 26 nền kinh tế trên thế giới đang đổi mới sáng tạo trên mức kỳ vọng, so với mức độ phát triển của họ. Trong đó, Việt Nam, Ấn Độ, Kenya, Cộng hòa Moldova tiếp tục giữ kỷ lục là quốc gia đổi mới sáng tạo trên mức kỳ vọng trong 12 năm liên tiếp.

Trong nhóm thu nhập trung bình cao, hiệu suất đổi mới của Ấn Độ ở mức trên trung bình ở hầu hết các trụ cột đổi mới, ngoại trừ vấn đề về cơ sở hạ tầng. Việt Nam tiếp tục đạt điểm cao hơn mức trung bình của nhóm thu nhập trung bình thấp ở tất cả các trụ cột và thậm chí đạt điểm trên mức trung bình đối với nhóm thu nhập trung bình trên ở mọi trụ cột, ngoài chỉ tiêu vốn nhân lực và hoạt động nghiên cứu.

Nhiều quốc gia châu Á thu hẹp khoảng cách với châu Âu và Bắc Mỹ về đổi mới sáng tạo

Khu vực Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương (SEAO) tiếp tục thu hẹp khoảng cách về hiệu suất đổi mới so với khu vực Bắc Mỹ và Châu Âu. Bảy nền kinh tế thuộc khu vực này dẫn đầu về đổi mới sáng tạo trên thế giới: Hàn Quốc (thứ 6), Singapore (thứ 7), Trung Quốc (thứ 11), Nhật Bản (thứ 13), Hồng Kông, Trung Quốc (thứ 14), New Zealand (thứ 24) và Australia (thứ 25).

Thứ hạng của Singapore, Trung Quốc và New Zealand đã cải thiện trong năm nay. Trong số các nước dẫn đầu khu vực, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã có những bước tiến lớn nhất trong bảng xếp hạng trong 10 năm qua.

Vào năm 2012, Hàn Quốc mới chỉ giữ vị trí thứ 21, tham gia vào top 10 vào năm 2020 và tiến xa hơn lên vị trí thứ 6 vào năm 2022. Nhật Bản đã thăng hạng từ vị trí thứ 25 vào năm 2012 để lên vị trí thứ 13 trong năm nay.

Vào năm 2012, Trung Quốc giữ vị trí thứ 34. Năm 2016, Trung Quốc trở thành một trong những nhà lãnh đạo đổi mới và kể từ đó đã thăng hạng đều đặn trong bảng xếp hạng hàng năm cho đến năm nay. Vào năm 2022, quốc gia này đã đứng ở vị trí thứ 11 trên bảng xếp hạng.

Trong khu vực nói chung, Việt Nam (thứ 48), Philippines (thứ 59), Indonesia (thứ 75), Campuchia (thứ 97) và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (thứ 112) đã đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua, tiến lên nhiều hơn hơn 20 bậc.

Những nền kinh tế này cũng tiếp tục dẫn đầu về các chỉ số đổi mới chính. Việt Nam đứng thứ nhất trên toàn thế giới về nhập khẩu công nghệ cao, Philippines đứng thứ 2 về xuất khẩu công nghệ cao và Indonesia giữ vị trí thứ 2 trên toàn thế giới về chính sách và văn hóa doanh nhân.

Hường Hoàng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/viet-nam-dung-thu-48-ve-doi-moi-sang-tao-toan-cau-nam-2022-1666636225418.htm