Việt Nam đứng thứ 6 trong 30 quốc gia hấp dẫn đầu tư nhất ngành bán lẻ

Theo Tổng cục thống kê trong 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam cũng đang trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu.

Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành dịch vụ, thương mại đóng vai trò là động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của quá trình này.

Tại Hội thảo “Phát triển ngành dịch vụ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ngày 5/8, nhận định tầm quan trọng của ngành dịch vụ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: "Kết quả đánh giá công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn vừa qua đã cho thấy, cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ đã có bước tăng trưởng đáng kể về quy mô, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế".

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh.

"Các ngành dịch vụ đã phát triển đa dạng hơn, theo số liệu thống kê tỷ trọng của khu vực dịch vụ trong GDP tăng dần qua các năm, hiện chiếm trên 40% GDP. Thương mại truyền thống tiếp tục phát triển mạnh, Việt Nam đang trở thành một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu, đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu", Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết.

Trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ 4.0, Việt Nam đã nhanh chóng ứng dụng thành tựu khoa học vào những hoạt động chính của ngành dịch vụ, thương mại.

Thương mại điện tử cùng với các nền tảng thanh toán trực tuyến đang dần trở thành một kênh phân phối ngày càng quan trọng làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, thúc đẩy mua sắm trực tuyến.

Lĩnh vực tài chính - ngân hàng, loại hình Fintech đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn tại Việt Nam như FPT, Viettel, VNPT… Ngân hàng điện tử, giáo dục trực tuyến tăng nhanh đã góp phần giúp ngành dịch vụ thích ứng tốt hơn và phù hợp hơn với bối cảnh phát triển mới của thế giới.

Lĩnh vực du lịch đã chú trọng hướng tới bảo tồn di sản văn hóa và phát huy vai trò của các giá trị văn hóa truyền thống góp phần nâng cao vị thế đất nước và phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Đặc biệt, các mô hình kinh doanh mới, kinh tế chia sẻ xuất hiện và phát triển góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao, phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh những bước phát triển quan trọng của ngành dịch vụ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng nêu ra vấn đề lớn trong phát triển ngành dịch vụ như: Việt Nam luôn nhập siêu trong các cán cân thương mại dịch vụ, nhất là với dịch vụ có hàm lượng công nghệ và trí thức cao.

Một số dịch vụ quan trọng hiện nay còn chiếm tỷ trọng nhỏ như dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (chiếm 5,37%); khoa học và công nghệ (1,29%); giáo dục và đào tạo (4,03%), thông tin truyền thông (0,68%).

Hệ thống hạ tầng thương mại chưa theo kịp với nhu cầu phát triển, chi phí logistic vẫn chiếm tỷ trọng cao. Một số mô hình kinh tế chia sẻ, mô hình kinh tế nền tảng dựa trên công nghệ số, nền tảng số phát triển nhanh nhưng còn thiếu cơ chế kiểm soát đồng bộ nên gây xâm lấn và phá vỡ kết cấu kinh tế truyền thống.

"Cần phải đổi mới tư duy về cách tiếp cận mô hình phát triển, đề ra những định hướng, mục tiêu phù hợp, nghiên cứu, đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp mới, xây dựng chiến lược phát triển ngành dịch vụ phù hợp, hiệu quả hơn trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới".

"Cần phải đổi mới tư duy về cách tiếp cận mô hình phát triển, đề ra những định hướng, mục tiêu phù hợp, nghiên cứu, đề xuất những nhiệm vụ và giải pháp mới, xây dựng chiến lược phát triển ngành dịch vụ phù hợp, hiệu quả hơn trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới".

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh

Các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới rõ ràng cần phải thay đổi để phù hợp với bối cảnh mới. Tuy nhiên không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp, bảo đảm phát triển hài hòa giữa công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ theo lợi thế của từng vùng và địa phương, chú trọng liên kết vùng để tạo không gian phát triển mới.

Phát triển ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần chú trọng phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như: công nghiệp công nghệ số, hàng hải, dịch vụ kỹ thuật dầu khí, hàng không, viễn thông.

Việt Nam hiện là nền kinh tế phát triển năng động, tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với 60 đối tác lớn, có thị trường nội địa gần 100 triệu dân, tỷ lệ dân số trẻ cao, có tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, có khả năng thích ứng nhanh. Do đó, Việt Nam kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thảo Linh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/viet-nam-dung-thu-6-trong-30-quoc-gia-hap-dan-dau-tu-nhat-nganh-ban-le-post9651.html