Việt Nam được đánh giá có nhiều triển vọng cung ứng nội địa trong tương lai

Cải thiện tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu, linh kiện, thiết bị sản xuất trong nước của Việt Nam có tác động tích cực đến việc mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như quyết định đầu tư vào Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài. Với tỷ lệ nội địa hóa cải thiện ổn định đều qua từng năm, Việt Nam được doanh nghiệp Nhật đánh giá có nhiều triển vọng cung ứng nội địa trong tương lai.

Tỷ lệ cung ứng nội địa tại Việt Nam hiện đạt 36,6%, giảm 5,3 điểm so với khảo sát năm trước (41,9%). Ảnh tư liệu

Tỷ lệ cung ứng nội địa tại Việt Nam hiện đạt 36,6%, giảm 5,3 điểm so với khảo sát năm trước (41,9%). Ảnh tư liệu

Tỷ lệ nội địa hóa đạt 36,6%

Theo kết quả “Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2024” (Ấn bản Việt Nam), được Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội công bố vào cuối tháng 1/2025, tỷ lệ cung ứng nội địa tại Việt Nam đạt 36,6%, giảm 5,3 điểm so với khảo sát năm trước (41,9%). Tỷ lệ cung ứng từ Nhật Bản đạt 33,6%, từ Trung Quốc đạt 12,6% và từ ASEAN đạt 11,3%. Trong tổng số cung ứng, tỷ lệ cung ứng từ các doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam là 15,7%, giảm 1,5 điểm so với năm trước.

Về nguồn cung ứng tại Việt Nam trong năm 2024 theo ngành nghề, tỷ lệ cung ứng nội địa của các ngành thiết bị điện/điện tử và linh kiện của chúng, hóa chất/dược phẩm và dệt may/quần áo đều dưới 30%. Trong khi đó, các ngành thực phẩm, giấy/sản phẩm gỗ/in ấn, cao su/gốm sứ/đất đá đều có hơn 50% tỷ lệ cung ứng từ các doanh nghiệp địa phương.

Theo Jetro, với con số 36,6%, tỷ lệ cung ứng nội địa tại Việt Nam hiện tương đương với Malaysia và Philippines. Lý giải một phần nguyên nhân của việc giảm tỷ lệ cung ứng nội địa của các doanh nghiệp Việt đối với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trong năm qua, ông Haruhiko Ozasa - Trưởng đại diện Jetro tại Việt Nam cho biết do yếu tố khách quan. Vào năm 2024, đồng Yên suy yếu, điều này dẫn đến tỷ lệ cung ứng từ Nhật Bản tăng cao (tăng 2,7 điểm so với năm trước).

Cũng theo ông Haruhiko Ozasa, chi phí nguyên vật liệu và linh kiện cũng như chi phí logistics gia tăng do lạm phát toàn cầu đã có tác động lớn đến chính sách cung ứng của Việt Nam trong 5 năm gần đây (2019 - 2024), nhưng cả hai yếu tố này đều thấp hơn mức trung bình của ASEAN.

Triển vọng cung ứng nội địa trong tương lai

Mặc dù tỷ lệ nội địa hóa tại thị trường Việt Nam vẫn ở mức thấp so với Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia nhưng tốc độ tăng trưởng tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam trong 10 năm qua là rất tốt, năm sau cao hơn năm trước (trừ năm 2024 do đồng Yên suy yếu). Cùng với các lợi thế về môi trường đầu tư vượt trội so với các quốc gia trong khu vực, các doanh nghiệp Nhật vẫn lựa chọn Việt Nam như điểm đến hàng đầu khi quyết định đầu tư. Điều này cũng được thể hiện rõ qua việc dịch chuyển chức năng sản xuất.

Lưu ý những thách thức trong cung ứng nội địa

Theo Jetro, để cải thiện tỷ lệ nội địa hóa, Việt Nam cũng cần lưu ý tới những thách thức trong cung ứng nội địa khi tỷ lệ trả lời “chất lượng và năng lực kỹ thuật của các nhà cung ứng nội địa không đủ” cao nhất ASEAN, đạt 60,9%. Tỷ lệ doanh nghiệp trả lời “không có nhà sản xuất nào có thể cung cấp nguyên liệu thô trong nước” là 55%, đứng sau Indonesia.

Báo cáo của Jetro cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp trả lời đã dịch chuyển chức năng sản xuất từ các quốc gia và khu vực khác sang Việt Nam trong 5 năm gần đây (2019–2024) là 24,8%, cao nhất cả về số lượng và tỷ lệ trong khu vực châu Á/châu Đại Dương. Xét theo ngành nghề, các ngành như sắt/kim loại màu/kim loại, linh kiện thiết bị điện/điện tử, sản phẩm nhựa... đều nằm trong nhóm dẫn đầu.

Phân tích rõ hơn xu hướng này, ông Haruhiko Ozasa cho biết, việc dịch chuyển sản xuất từ Nhật Bản và Trung Quốc sang ASEAN đã gia tăng rõ rệt, với Việt Nam là điểm đến chủ yếu. Trong tổng số 176 trường hợp dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN, Việt Nam chiếm hơn một nửa với 90 trường hợp. Các lý do được đưa ra bao gồm “ứng phó với việc dịch chuyển sản xuất của khách hàng”, “đối phó với thuế quan do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung” và “tránh sự mập mờ trong hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc”.

Về quy mô dịch chuyển sản xuất từ Nhật Bản và Trung Quốc sang Việt Nam, có khoảng 60% doanh nghiệp trả lời là dịch chuyển từ “1 đến 50%”, nhưng cũng có khoảng 10-20% doanh nghiệp trả lời đã dịch chuyển hoàn toàn “100%” sản xuất.

Chia sẻ về triển vọng cung ứng nội địa trong tương lai của Việt Nam, vị trưởng đại diện Jetro tại Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam rất lạc quan về điều này. Nêu ví dụ cụ thể về triển vọng tỷ lệ cung ứng nội địa trong 1-2 năm tới, ông cho biết, tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật trả lời “mở rộng” là 50,9% (tăng 7,7 điểm so với năm trước), cao hơn đáng kể so với mức trung bình của ASEAN là 37,7%. So với các quốc gia có doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động, Việt Nam xếp sau Ấn Độ và Pakistan, nhưng đứng đầu ASEAN. Xét theo từng ngành nghề, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực như thiết bị điện/điện tử, dệt may/quần áo và máy móc nói chung đều thể hiện mong muốn mở rộng cung ứng nội địa ở mức cao.

Nâng cấp “vị thế” trong chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp Việt

Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hướng ra xuất khẩu tại Việt Nam đều nhập khẩu đầu vào. Doanh nghiệp nội địa cung ứng được cho các doanh nghiệp FDI trên còn đang rất yếu. Vì vậy, cần thúc đẩy tăng kết nối tốt hơn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để tăng tỷ lệ nội địa hóa, giúp các doanh nghiệp trong nước “lớn lên”, để tham gia sâu rộng hơn vào sân chơi chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, đầu tư vào cơ sở hạ tầng tốt hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam so với các nước trong khu vực, để giữ chân các FDI hiện hữu cũng như thu hút thêm các FDI chất lượng, trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump.

Còn theo PGS.TS Phạm Thị Thu Trà - Chủ nhiệm nhóm bộ môn Kinh tế và Tài chính, Đại học RMIT, điều cốt lõi là Việt Nam cần nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, không chỉ dừng lại ở công đoạn gia công lắp ráp. Đây cũng là khuyến nghị chính sách lâu nay — doanh nghiệp Việt cần tham gia sản xuất các sản phẩm cường độ vốn cao hơn hoặc tích hợp theo chiều dọc, để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo giá trị gia tăng cho quốc gia. Nếu doanh nghiệp không thể tự "nâng cấp" vị thế, Chính phủ cần có các biện pháp hỗ trợ để giúp họ tiến xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không kịp thời chuyển mình, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam – vốn có thể được thúc đẩy bởi đường lối đối ngoại của Trump – có nguy cơ dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng: tỷ trọng của các ngành công nghiệp giá trị thấp sẽ tiếp tục gia tăng. Hiện tại, các ngành công nghiệp công nghệ thấp chiếm khoảng 65-70% trong lĩnh vực chế biến chế tạo tại Việt Nam, so với mức chỉ 18% trên toàn cầu. Điều này khiến giá trị gia tăng từ xuất khẩu vẫn ở mức thấp, và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị giới hạn ở vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị. Kết quả là, Việt Nam có nguy cơ trở thành một "xưởng lắp ráp" mới của thế giới, thay vì nâng cao vị thế và giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thảo Miên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/viet-nam-duoc-danh-gia-co-nhieu-trien-vong-cung-ung-noi-dia-trong-tuong-lai-170746-170746.html