Việt Nam được phép xuất khẩu thực phẩm làm từ côn trùng vào thị trường EU
Theo Thương vụ Việt Nam tại EU, Bỉ và Luxembourg, Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu tiếp cận thị trường của EU để được phép xuất khẩu thực phẩm làm từ côn trùng vào EU.
Cụ thể, ngày 12/2, EU đã ban hành quy định số (EU) 2021/171 chính thức cho phép Việt Nam xuất khẩu sản phẩm từ côn trùng làm thực phẩm vào thị trường EU. Quy định có hiệu lực từ ngày 15/2.
Cho đến nay, EU mới mở cửa cho 5 quốc gia gồm Canada, Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam được phép xuất khẩu sản phẩm từ côn trùng làm thực phẩm.
Hiện tại, mặc dù thực phẩm làm từ côn trùng chưa được sử dụng nhiều nhưng các nhà dinh dưỡng học đã dự báo côn trùng chính là nguồn thực phẩm dự trữ của tương lai. Việc EU cho phép Việt Nam xuất khẩu thực phẩm làm từ côn trùng được dự báo có thể tạo ra một động lực mới trong ngành thực phẩm.
Nhưng hiện một số loài côn trùng như dế, cào cào, đuông dừa… có mặt trên thực đơn các quán nhậu ở Việt Nam. Việc dế hay giun được nuôi công nghiệp và chế biến thành protein bổ sung cho các loại bột dinh dưỡng hay bột làm bánh chưa được phổ biến nhiều ở Việt Nam, dù rằng đã có vài doanh nghiệp tiên phong.
Và đây là ngành công nghiệp nhiều tỷ đô la mà thế giới đang nhắm đến trong tương lai, bên cạnh các xu hướng về các loại thịt chế tạo từ đạm thực vật hay thịt được nuôi cấy từ phòng thí nghiệm.
Các thực phẩm từ côn trùng hiện đang được tiêu thụ rộng rãi, với khoảng 1.000 loài được sử dụng trong các bữa ăn của khoảng 2 tỷ người tại châu Phi, châu Á và Mỹ Latin. Hiện loại sản phẩm này đã được một số nước EU cho phép tiêu thụ, nhưng chủ yếu vẫn được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Tại châu Âu, côn trùng vẫn chưa có tên trên thực đơn của người dân bởi các vấn đề tâm lý và văn hóa. Tuy vậy, ngành này kỳ vọng thị trường thực phẩm côn trùng ở châu Âu sẽ phát triển nhanh trong những năm tới, đến năm 2030 đạt sản lượng 260.000 tấn.
Việc EU cho phép Việt Nam xuất khẩu thực phẩm từ côn trùng được dự báo có thể tạo ra một động lực mới trong ngành thực phẩm.