Việt Nam được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể
Ở vị trí điều hành, Việt Nam sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, thông qua các quyết định quan trọng của UNESCO về văn hóa, đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu của Công ước 2003.
Ngày 11/6, tại trụ sở Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã khai mạc Kỳ họp lần thứ 10 Đại hội đồng Công ước 2003 về về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, với sự tham dự của 183 quốc gia thành viên và hơn 100 quan sát viên.
Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự họp.
Tại Kỳ họp, Việt Nam đã được các nước thành viên tín nhiệm cao bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước 2003, đưa số lượng các cơ chế then chốt của UNESCO mà Việt Nam tham gia lên con số 6 (thành viên Ủy ban Di sản thế giới và Hội đồng Chấp hành UNESCO, Phó Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO, Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Phó Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ và Phó Chủ tịch Đại hội đồng Công ước 2003).
Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của sự kiện này, một lần nữa cho thấy vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, sự ủng hộ, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu, và đặc biệt là sự ghi nhận đối với những đóng góp của Việt Nam trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể trong nước và trên thế giới.
Đây cũng là kết quả của việc triển khai chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước về đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, cũng như Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030.
Ở vị trí điều hành, Việt Nam sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng, thông qua các quyết định quan trọng của UNESCO về văn hóa, đóng góp hơn nữa cho việc hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu của Công ước 2003, cũng như tranh thủ các chương trình, kế hoạch, sáng kiến của UNESCO phục vụ phát triển đất nước, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trong hợp tác văn hóa ở tầm toàn cầu.
Phát biểu tại Phiên khai mạc toàn thể của Kỳ họp, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban liên Chính phủ, Ban thư ký và các quốc gia thành viên Công ước 2003 trong thúc đẩy các mục tiêu của Công ước, nâng cao nhận thức về vai trò của bảo vệ và trao truyền di sản phi vật thể, đặt cộng đồng vào trung tâm của nỗ lực bảo tồn di sản.
Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam với 15 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh, 550 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, luôn luôn quan tâm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, không ngừng xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật pháp quốc gia, gần đây nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia về Phát triển văn hóa đến 2045, và Luật Di sản văn hóa sửa đổi.
Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc đề xuất UNESCO và các nước thành viên cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai hiệu quả Công ước, ưu tiên chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển, các quốc gia châu Phi, nhóm đảo nhỏ đang phát triển, thúc đẩy tham gia và đóng góp của cộng đồng, phụ nữ và thanh niên.
Các quốc gia thành viên Công ước 2003 đánh giá cao những kinh nghiệm, hiểu biết và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở cả phương diện lý luận, luật pháp và thực tiễn, là bài học tốt cho nhiều quốc gia ở khu vực và quốc tế, góp phần bảo vệ khẩn cấp những di sản có nguy cơ bị mai một, gìn giữ những di sản đại diện cho nhân loại và quảng bá những hình mẫu di sản được bảo vệ tốt trên thế giới.
Đại hội đồng Công ước 2003 là cơ quan quyền lực cao nhất của UNESCO trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, gồm đại diện của 183 nước thành viên. Đại hội đồng quyết định những vấn đề quan trọng nhất liên quan đến chính sách, đường lối phát triển của Công ước, phân bổ kinh phí hỗ trợ công tác bảo tồn di sản phi vật thể ở các quốc gia, bầu Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003.