Việt Nam ghi dấu ấn tại Hội nghị Bộ trưởng thông tin ASEAN
Trước tiên, phải kể đến công tác chuẩn bị và tổ chức thành công của Việt Nam cả về nội dung và an ninh, lễ tân, hậu cần với vai trò là nước chủ nhà của Hội nghị AMRI 16. Từ năm 2022, với trách nhiệm là nước chủ nhà, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì kế hoạch tổ chức, phối hợp với các ban, bộ, ngành (như Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính...) và UBND thành phố Đà Nẵng lên phương án tổng thể và chi tiết để chuẩn bị cho AMRI 16.5 tiểu ban thuộc Ban Tổ chức AMRI 16 đã được thành lập nhằm đảm bảo tổ chức tất cả các hoạt động tại sự kiện cũng như đảm bảo an toàn an ninh cho đại biểu tham dự. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Ban Thư ký ASEAN và các nước thành viên ASEAN chủ trì đề xuất chủ đề của hội nghị, dự thảo các văn kiện dự kiến thông qua và chương trình nghị sự của Hội nghị AMRI.
Chủ đề AMRI 16 được các nước đánh giá cao, là trọng tâm thảo luận tại hội nghị. Việt Nam lựa chọn chủ đề: “Truyền thông: Từ Thông tin tới Tri thức vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng” (tiếng Anh: “Media: From Information to Knowledge for a Resilient and Responsive ASEAN”) làm chủ đề xuyên suốt trong toàn bộ nội dung nghị sự. Chủ đề nêu bật vai trò, sứ mệnh của lĩnh vực truyền thông trong giai đoạn mới, đưa thông tin trở thành động lực của phát triển, không chỉ cung cấp thông tin, mà còn thúc đẩy chuyển đổi từ Thông tin thành Tri thức, để xây dựng một ASEAN Tự cường (Resilient), củng cố năng lực nội tại, khả năng chống chịu và Thích ứng (Responsive) để khẳng định vai trò, vị thế của ASEAN không chỉ hướng nội, mà còn sẵn sàng ứng phó với những biến động trước tình hình thế giới hiện nay.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng phụ trách thông tin ASEAN đã thông qua nhiều văn kiện mới, ghi nhận kết quả và tiến trình đạt được của các khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực thông tin. Trong đó, thông qua Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN 2035 về thông tin truyền thông. Đây là lần đầu tiên hợp tác về thông tin của ASEAN có một văn kiện về tầm nhìn, định hướng phát triển và hợp tác của ngành trong hơn 10 năm tới đến năm 2035.
Việt Nam chủ trì xây dựng Tuyên bố Đà Nẵng “Truyền thông: Từ thông tin đến Tri thức vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng”. Trong đó công nhận vai trò then chốt của truyền thông trong việc đóng góp vào mục tiêu hướng đến công dân được trang bị kiến thức, thúc đẩy tiếp thu kiến thức như động lực để thúc đẩy một Cộng đồng ASEAN tự cường và thích ứng, đồng thời thúc đẩy bản sắc ASEAN để thúc đẩy sự gắn kết xã hội và làm sâu sắc thêm ý thức là một phần của khu vực nhằm hành động trước bối cảnh truyền thông đang thay đổi do chuyển đổi kỹ thuật số.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành Báo chí truyền thông để đảm bảo vai trò là kênh truyền thông chính thống, chính xác và đáng tin cậy trong xã hội thông tin. Việt Nam sẽ chủ trì cùng các nước ASEAN chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, ứng dụng hiệu quả để thúc đẩy chuyển đổi số báo chí truyền thông trong ASEAN.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước khi diễn ra Hội nghị AMRI, dựa trên sáng kiến của Việt Nam, các nước ASEAN đã tổ chức 2 diễn đàn để thúc đẩy hợp tác trong chuyển đổi số báo chí và phòng chống tin giả.
Chuyển đổi số báo chí là để đưa báo chí lên không gian số. Báo chí đã quan trọng trong thế giới thực thì nay càng phải quan trọng hơn trong thế giới số. Các cơ quan truyền thông của ASEAN đã chia sẻ các thực tiễn tốt về chuyển đổi số và sẽ cùng nhau xây dựng hướng dẫn về chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí ASEAN.
Kiến thức về cách phòng chống tin giả ngày càng trở nên quan trọng, giúp củng cố niềm tin trong không gian số. Các nước ASEAN xem đây là một ưu tiên trong kế hoạch hợp tác về thông tin, và AMRI 16 đã tập trung thảo luận để tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các nước trong lĩnh vực này.
Hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin và truyền thông là một trong 15 lĩnh vực hợp tác của Việt Nam trong Trụ cột Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, do cơ chế Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Thông tin ASEAN (AMRI) điều hành và chỉ đạo. Theo quy tắc đã được ASEAN thống nhất, Hội nghị AMRI diễn ra 2 năm 1 lần, do các nước thành viên ASEAN luân phiên đảm nhiệm vai trò chủ trì dẫn dắt và chủ nhà tổ chức hội nghị. Giúp việc cho AMRI có cơ chế Quan chức phụ trách thông tin (SOMRI) và 3 nhóm công tác chuyên ngành về Phát thanh Truyền hình Kỹ thuật số (WG-ABD), Nội dung và Sản xuất (WG-CP), Thông tin Truyền thông và Đào tạo (WG-IMT). Ngoài ra, còn có cơ chế Tiểu ban Thông tin ASEAN (SCI) trong khuôn khổ Ủy ban Văn hóa Thông tin ASEAN (COCI) để rà soát, định hướng và triển khai các hợp tác cụ thể. Thực hiện nghĩa vụ thành viên và quy tắc luân phiên trong ASEAN, Việt Nam sẽ tiếp quản vị trí Chủ tịch AMRI từ Thái Lan trong giai đoạn 2023 - 2025. Trọng tâm của AMRI là định hướng và chỉ đạo thúc đẩy hợp tác giữa các nước ASEAN trong các lĩnh vực: Báo chí; Phát thanh và Truyền hình; Internet và Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ASEAN.
MINH HUY (Tổng hợp)