Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ thành viên không thường trực HĐBA LHQ
Lễ hạ quốc kỳ đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ của 5 nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) giai đoạn 2020-2021 đã diễn ra tại trụ sở LHQ, New York (Mỹ) vào ngày 31-12-2021 (giờ Washington). Đó là 5 nước: Estonia, Niger, Saint Vincents & the Grenadines, Tunisia và Việt Nam.
Thượng tôn Hiến chương LHQ
Theo TTXVN, tại buổi lễ, đại diện các nước đã thông tin về những thành công và đóng góp nổi bật của mình đối với công việc của HĐBA trong 2 năm nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ của các nước thành viên LHQ cũng như sự hợp tác và phối hợp của các nước trong HĐBA.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý khẳng định thực hiện lời hứa thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ và chủ nghĩa đa phương, Việt Nam luôn đề cao các nội dung này trong mọi hoạt động tại HĐBA. Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy cách tiếp cận đặt con người là trung tâm trong tìm kiếm các giải pháp bền vững và thỏa đáng nhằm giải quyết những tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, giải quyết các mối quan tâm toàn cầu, cũng như thúc đẩy chính sách nhân đạo đối với các nhóm dễ bị tổn thương.
Nổi bật trong các nỗ lực này là việc Việt Nam đã đề xuất HĐBA thông qua Tuyên bố Chủ tịch HĐBA về “Thượng tôn Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”, Nghị quyết “Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân”, cùng nhiều văn kiện và hoạt động khác.
Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh, với sự hợp tác và phối hợp của đồng nghiệp các nước tại HĐBA, Việt Nam đã hoàn thành tất cả các mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ này. Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, phương châm tham gia HĐBA của Việt Nam là thúc đẩy và dựa trên sự khách quan, minh bạch, thống nhất của HĐBA, cũng như lợi ích chính đáng của các bên liên quan.
Các nước đánh giá cao đóng góp của Việt Nam
Đại sứ Barbara Woodward, Trưởng Phái đoàn thường trực Vương quốc Anh tại LHQ, nhận định những đóng góp của Việt Nam trong hai năm qua tại HĐBA hết sức có giá trị bởi Việt Nam phải trực tiếp tham gia giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, nhưng không phải lúc nào cũng dễ nhìn thấy ở bề nổi, ví dụ như vấn đề vai trò của phụ nữ đối với hòa bình và an ninh, bảo vệ dân thường trong xung đột, hay hành động giải quyết vấn đề bom mìn.
Trong khi đó, Đại sứ Enrique A. Manalo, Trưởng Phái đoàn Phillipines tại LHQ, đánh giá việc Việt Nam trúng cử và sau đó đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA hai năm qua không chỉ là một bước phát triển mạnh mẽ đối với riêng Việt Nam mà còn đối với cả cộng đồng ASEAN. Năm 2020, khi hiệp hội ASEAN có cả Việt Nam và Indonesia cùng là ủy viên không thường trực thì vị thế của ASEAN đã được nâng tầm lên rất nhiều, ASEAN đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc góp phần giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế.
Phó Tổng Thư ký LHQ Jean-Pierre Lacroix, người đứng đầu các hoạt động hòa bình của LHQ, cũng dành nhiều lời khen ngợi cho Việt Nam. Ông đánh giá cao tính hiệu quả của việc Việt Nam tham gia cung cấp bệnh viện dã chiến cấp 2 ở Nam Sudan bởi đây chính là năng lực mà LHQ cần có và cần các nước thành viên LHQ đóng góp, đặc biệt ở những khu vực xung đột nguy hiểm. Phó Tổng thư ký LHQ tin tưởng Việt Nam có đủ năng lực để tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào công tác gìn giữ hòa bình của LHQ trong những năm tới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết với vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến và những nỗ lực của Việt Nam tại đây góp phần nâng cao vị thế đất nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Tham gia HĐBA LHQ, Việt Nam đã thể hiện rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.