Việt Nam, Indonesia dẫn đầu về lao động nước ngoài tại Nhật Bản

Số lượng lao động Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nhóm lao động nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản vào năm 2023, trong khi lao động từ Indonesia tăng gần gấp 3 lần so với năm 2018.

Một thợ hàn Việt Nam làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia

Một thợ hàn Việt Nam làm việc tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia

Nikkei Asia đưa tin, theo dữ liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số lượng lao động nước ngoài tại Nhật Bản đã tăng 40,3% trong 5 năm lên 2,05 triệu người (tính đến tháng 10/2023).

Tăng trưởng lao động của Nhật Bản đã chậm lại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn thế giới vào năm 2020. Tuy nhiên, số lượng lao động nước ngoài tại nước này đã tăng 12,4% từ năm 2022 đến năm 2023 khi tình hình dịch bệnh giảm dần.

Lao động Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản, tăng 63,6% trong 5 năm lên 518.361 người. Nhiều lao động Việt đã tham gia Chương trình đào tạo thực tập kỹ thuật của Nhật Bản - được thiết kế để giúp chuyển giao công nghệ làm việc cho các nước đang phát triển.

Số lượng lao động Trung Quốc tại Nhật Bản xếp thứ hai sau Việt Nam, chỉ tăng 2,3% trong năm 2023. Nguyên nhân được cho là do chính sách tiền lương của Trung Quốc tăng, còn đồng Yen Nhật thì suy yếu, từ đó làm giảm sức hấp dẫn của công việc tại "xứ sở Phù Tang".

Số lượng lao động Indonesia tại Nhật Bản đã tăng 192,2% trong 5 năm lên 121.507 người và tăng 56% trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2023. Giải thích cho sự tăng vọt này, Nikkei Asia cho biết, do mức lương thấp tại quê nhà nên nhiều lao động Indonesia vẫn coi Nhật Bản là một điểm đến hấp dẫn.

Nhiều lao động Indonesia đã tìm được việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp - vốn đang thiếu nhân lực tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia

Nhiều lao động Indonesia đã tìm được việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp - vốn đang thiếu nhân lực tại Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia

Công dân Indonesia cũng đang chiếm 56% nhóm người lao động kỹ năng đặc định (SSW) của Nhật Bản, với nhiều người lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng, chăm sóc điều dưỡng và dịch vụ ăn uống.

Nhật Bản đã thiết lập thị thực kỹ năng đặc định vào năm 2019, nhằm giảm bớt tình trạng thiếu lao động xảy ra trong một số ngành công nghiệp. Người lao động phải vượt qua bài kiểm tra kỹ năng và bài kiểm tra tiếng Nhật để được làm việc tại đây.

Cơ quan nhân sự Persol Global Workforce có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) đã bắt đầu tuyển dụng người lao động có kỹ năng đặc định trong lĩnh vực nông nghiệp vào năm ngoái theo thỏa thuận với một tổ chức giáo dục của Indonesia.

Ông Motoki Yuzuriha, Chủ tịch Cơ quan giới thiệu việc làm Mynavi Global, nhận xét: “Có rất nhiều tiềm năng ở Indonesia - đất nước có dân số là 270 triệu người. Tôi cho rằng nước này thậm chí có thể vượt qua Việt Nam về vai trò của mình trên thị trường lao động Nhật Bản”.

Hiện nay, các nhà tuyển dụng Nhật Bản cũng đang đưa ra mức lương cao hơn để thu hút người lao động nước ngoài. Lương cơ bản hàng tháng cho thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài, khoảng một nửa trong số đó đến từ Việt Nam, đã tăng 8% vào năm 2022 lên 177.800 Yen (1.200 USD).

Tại các nước châu Á khác, số lượng lao động Nepal tại Nhật Bản đã tăng 78,5% trong 5 năm lên 145.587 người. Trong khi đó, người lao động từ Myanmar cũng tăng mạnh.

Vào năm 2018, số lao động Myanmar tại Nhật Bản thấp và không xuất hiện tại danh mục nào trong bảng phân tích năm đó. Tuy nhiên, con số này đã tăng 49,9% trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2023 lên 71.188 người. Nhiều công dân Myanmar đang tìm kiếm việc làm ở nước ngoài, trong bối cảnh tình hình chính trị bất ổn trong nước.

Tại các nền kinh tế lớn, số lượng lao động Mỹ đến Nhật Bản tăng 5,7% trong 5 năm lên 34.861 người, trong khi lao động Anh tăng 5,8% lên 12.945 người. Cơ quan tuyển dụng Robert Walters Japan cho biết, vẫn có những người lựa chọn làm việc tại Nhật Bản vì chi phí sinh hoạt rẻ tại đây hơn ở các thành phố lớn của Mỹ và châu Âu. Cơ quan này cho biết họ sẽ tiếp tục tuyển dụng người từ các quốc gia này.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/viet-nam-indonesia-dan-dau-ve-lao-dong-nuoc-ngoai-tai-nhat-ban-post32650.html