Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ, cuộc đua tam mã trong 'chiến trường' FDI
Bộ Công Thương đánh giá, dòng vốn đầu tư nước ngoài năm 2025 có thể có xu hướng chuyển dịch sang các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, Indonesia hay Ấn Độ.
Những thách thức đối với kinh tế Việt Nam
Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong năm 2025, kinh tế thế giới có thể tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố phức tạp và khó dự đoán hơn so với năm 2024. Bởi, trong giai đoạn hiện nay, thế giới không chỉ có xung đột về quân sự mà còn có sự gia tăng xung đột về thương mại.
Bộ Công Thương nhận định, với sự đắc cử Tổng thống của ông Donald Trump trong tháng 11/2024 và chính thức trở thành Tổng thống vào tháng 1/2025, thời gian tới “chiến tranh” thương mại Mỹ - Trung và một số quốc gia khác dự báo sẽ trở nên căng thẳng hơn.
Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam trên nhiều phương diện khác nhau, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, tiền tệ và thu hút đầu tư nước ngoài.
![Bộ Công Thương đánh giá, dòng vốn đầu tư nước ngoài năm 2025 có thể có xu hướng chuyển dịch sang các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, Indonesia hay Ấn Độ. (Ảnh: ST)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_17_197_51495930/52b8626a4f24a67aff35.jpg)
Bộ Công Thương đánh giá, dòng vốn đầu tư nước ngoài năm 2025 có thể có xu hướng chuyển dịch sang các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, Indonesia hay Ấn Độ. (Ảnh: ST)
Bộ Công Thương cho rằng, trước những diễn biến khó lường tình hình thế giới, không chỉ mang đến thách thức mà có thể cả cơ hội cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam.
Đơn cử, với cách thức điều hành kinh tế Mỹ ở nhiệm kỳ trước và những cam kết khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump sẽ áp thuế cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc và một số quốc gia có mức xuất siêu lớn với Mỹ, do vậy hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc sẽ có nguy cơ tràn vào Việt Nam nhiều hơn, gây khó khăn cho sản xuất nội địa của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngược lại, các tập đoàn cũng sẽ có xu hướng chuyển nhà máy sang Việt Nam để né thuế Mỹ áp vào hàng hóa của Trung Quốc.
“Qua đó, có thể tạo ra một làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng mới tạo điều kiện cho Việt Nam thu hút nhiều vốn FDI hơn, song cũng mang lại rủi ro lớn”, Bộ Công Thương dự báo.
Hiện tại, các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB và OECD dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm 2025, khoảng 3,2-3,3%. Điều này phản ánh những thách thức kinh tế toàn cầu đang đối mặt, bao gồm căng thẳng địa chính trị leo thang, những rủi ro tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng năng lượng và chuỗi cung ứng.
Cuộc đua tam mã trong 'chiến trường' FDI
Bộ Công Thương đánh giá, dòng vốn đầu tư nước ngoài năm 2025 có thể có xu hướng chuyển dịch sang các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, Indonesia hay Ấn Độ, nhờ vào những lợi thế như có lực lượng lao động dồi dào, chi phí cạnh tranh, thị trường nội địa đang phát triển nhanh.
Đồng thời, các quốc gia này có chính sách thu hút đầu tư, cải cách hành chính, ưu đãi thuế và cải thiện cơ sở hạ tầng đang được các nước này nỗ lực hoàn thiện để hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế.
Bộ Công Thương cho rằng, giữa “làn sóng” của những thách thức và khó khăn đó, các nền kinh tế lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc liên tục điều chỉnh chiến lược kinh tế để bảo vệ lợi ích quốc gia, xu hướng bảo hộ dự báo sẽ còn tiếp tục và sâu sắc hơn trong những năm tới.
Các chính sách bảo hộ đã dẫn đến sự tái cấu trúc toàn diện của chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp đang chuyển từ tối ưu hóa chi phí sang đảm bảo an toàn.
Ba xu hướng chuyển dịch chính đang diễn ra trên thế giới, đó là chuyển sản xuất sang các nước đồng minh tin cậy (friendshoring), đưa sản xuất về gần thị trường tiêu thụ (nearshoring) và đưa các dây chuyền sản xuất về nước (re-shoring).
Trong báo cáo Triển vọng thị trường hàng hóa thế giới (tháng 10/2024), ngân hàng thế giới (WB), dự báo giá hàng hóa toàn cầu sẽ tăng khoảng 2,7% vào năm 2024 và sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm vào năm 2025, tiếp tục xu hướng giảm vào năm 2026, chủ yếu do tình trạng dư cung dầu mỏ.