Viet Nam International Sourcing 2023: Cơ hội xúc tiến xuất khẩu thủy sản sang thị trường Bắc Âu

Viet Nam International Sourcing 2023 sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản hiểu rõ xu hướng tiêu dùng và tìm kiếm bạn hàng tại Bắc Âu.

Hai xu hướng tiêu dùng thủy sản chính của thị trường Bắc Âu

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 6/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 768,2 triệu USD, giảm 23,65% so cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,15 tỷ USD, giảm 27,1% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng mặt hàng tôm là một trong những mặt hàng chủ lực trong nhóm thủy sản có kim ngạch đạt 1,5 tỷ USD sau 6 tháng đầu năm, giảm 32% so với cùng kỳ.

Xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản nói chung đang gặp nhiều khó khăn do tình hình lạm phát và nhu cầu suy giảm ở nhiều thị trường nhập khẩu. Do đó, mở rộng thị trường và tìm kiếm thêm bạn hàng để đa dạng hóa thị trường là giải pháp cấp bách.

Xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều khó khăn

Xuất khẩu thủy sản đang gặp nhiều khó khăn

Đối với thủy sản Việt, thị trường Bắc Âu được đánh giá là thị trường tiêu thụ tiềm năng. Bà Nguyễn Hoàng Thúy - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm các nước khu vực Bắc Âu cho biết, hiện nay có hai xu hướng tiêu thụ tôm và thủy sản tại thị trường Bắc Âu.

Theo đó, xu hướng quan trọng nhất tại khu vực này là phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Tính bền vững của thủy sản cũng là một xu hướng chính trị và đang dần được đưa vào các hệ thống các văn bản quản lý.

Hiện nay, Thỏa thuận Xanh châu Âu và Chiến lược Từ trang trại đến bàn ăn nhấn mạnh tiềm năng của hải sản nuôi trồng, trong đó có tôm như một nguồn cung cấp protein cho thực phẩm và thức ăn chăn nuôi với lượng khí thải carbon thấp, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp xây dựng một hệ thống thực phẩm bền vững. Chiến lược này cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là giảm doanh số bán thuốc kháng sinh và tăng đáng kể nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Do vậy, xu hướng của người tiêu dùng dần giảm tiêu thụ thịt, tăng tiêu thụ thủy sản, đặc biệt là thủy sản hữu cơ.

Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống hàng ngày và ngành công nghiệp thực phẩm hữu cơ. Ý thức của người tiêu dùng về thực phẩm lành mạnh, bền vững đã tăng lên đáng kể, dẫn đến sự tăng trưởng đáng kể của thị trường hữu cơ.

Sự phát triển trong nhận thức của người tiêu dùng và sự phát triển của lĩnh vực hữu cơ cũng đã làm cho các Chính phủ có nhiều biện pháp hỗ trợ hơn đối với thực phẩm hữu cơ ở châu Âu. Do vậy, phải khẳng định thực phẩm hữu cơ, trong đó có tôm sinh thái sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý, sự phát triển của ngành nông nghiệp hữu cơ đã dẫn đến sự ra đời của Quy định mới về nông nghiệp hữu cơ tại EU, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 để đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm hữu cơ được bán ở EU đều có cùng tiêu chuẩn. Các doanh nghiệp cần tuân thủ các qui định bắt buộc của EU” – bà Nguyễn Hoàng Thúy lưu ý.

Ngoài ra, nếu muốn kinh doanh với các siêu thị Bắc Âu, các doanh nghiệp lưu ý cần có chứng nhận về tính bền vững từ trang trại đến nhà cung cấp. Các nước Bắc Âu là các nước đi đầu trong việc sản xuất và tiêu thụ sản bền vững. Các doanh nghiệp ở Bắc Âu bắt đầu thực hiện các cam kết đối với thủy sản bền vững từ đầu những năm 2000, và các cam kết này đã mở rộng ra toàn cầu theo thời gian. Có rất nhiều chứng nhận về tính bền vững trên thị trường, nhưng chứng nhận MSC (Hội đồng Quản lý biển) và ASC (Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản) từ lâu đã là những chứng nhận chính mà các nhà bán lẻ Bắc Âu cam kết đối với thủy sản đánh bắt tự nhiên và nuôi trồng. Tuy nhiên, trong những năm qua, chứng chỉ của GSSI (Sáng kiến Thủy sản Bền vững Toàn cầu) cũng được các nhà nhập khẩu thủy sản của Bắc Âu quan tâm.

Cũng theo bà Nguyễn Hoàng Thúy, trong các siêu thị ở Bắc Âu, ngày càng có nhiều nguồn cung cấp các sản phẩm tiện lợi và đồ ăn sẵn. Các sản phẩm tiện lợi và đồ ăn sẵn được nhập khẩu từ sản phẩm thô, sau đó, được gia tăng giá trị bởi các công ty chế biến thực phẩm.

Khi ngày càng có nhiều người mua các sản phẩm tiện lợi, các doanh nghiệp chế biến sẽ tăng mua sản phẩm thô. Đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu nếu có thể cung cấp cho bên chế biến một sản phẩm được tiêu chuẩn hóa và dễ dàng gia công, chế biến hoặc cung cấp các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn cho thị trường. Hoặc các doanh nghiệp của chúng ta cũng có thể tăng cường đầu tư nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm tiện lợi, có giá trị gia tăng cao.

Cơ hội xúc tiến thương mại sang thị trường Bắc Âu

Để xúc tiến xuất khẩu hàng hóa, Chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) từ ngày 13 - 15/9/2023 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP. Hồ Chí Minh sẽ được Bộ Công Thương tổ chức nhằm thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước. Đây là hoạt động nhằm tích cực triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2023” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chuỗi Sự kiện bao gồm các hội nghị, hội thảo, hoạt động kết nối giao thương và triển lãm “Vietnam International Sourcing Expo” với quy mô 300 gian hàng dành cho các doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký trưng bày hàng hóa, sản phẩm chất lượng cao để giới thiệu tới các nhà nhập khẩu, tập đoàn phân phối và các đoàn thu mua quốc tế.

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu sẽ tổ chức đoàn doanh nghiệp tham gia Viet Nam International Sourcing 2023. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tìm hiểu xu hướng thị trường, tìm kiếm người mua hàng, đa dạng hóa thị trường để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Phương Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-international-sourcing-2023-co-hoi-xuc-tien-xuat-khau-thuy-san-sang-thi-truong-bac-au-263226.html