Việt Nam kêu gọi các quốc gia chia sẻ thông tin và miễn trừ bản quyền vaccine Covid-19
Đây là nội dung được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đưa ra tại họp báo thường kỳ chiều 13/5...
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: Bộ Ngoại giao
Mới đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ miễn trừ bằng sáng chế đối với vaccine Covid-19 nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất vaccine trên thế giới và sớm dập tắt đại dịch.
Phản hồi câu hỏi liên quan tới thông tin này tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều nay, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn các quốc gia chia sẻ thông tin, miễn trừ bản quyền vaccine Covid-19 để các loại vaccine sớm được phổ biến rộng rãi ở tất cả các nước trên thế giới.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh ngay từ khi dịch bệnh bùng phát và các nước tiến hành nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnh, Việt nam đã nỗ lực tìm kiếm và đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine trên thế giới để sớm nhập vaccine Covid-19 về sử dụng trong nước.
"Đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được một số nguồn vaccine và có cam kết cung ứng từ chương trình COVAX Facility và nhà sản xuất vaccine Astrazeneca. Hiện tại, Việt Nam vẫn đang tiến hành tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên", bà Hằng thông tin.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết ngoài nguồn vaccine nhập khẩu, Việt Nam đang thúc đẩy nghiên cứu và phát triển vaccine ở trong nước.
"Dự kiến, vaccine do Việt Nam sản xuất có thể được sử dụng trong nước vào năm 2022 để có thể chủ động nguồn vaccine, đảm bảo nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế và chủ động ứng phó khi có đại dịch xảy ra trong tương lai", người phát ngôn thông tin.
Trước đó, Đại hội đồng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra đề xuất tạm thời bỏ các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với vaccine, thuốc điều trị và xét nghiệm Covid-19. Đến nay, hơn 100 quốc gia đã ủng hộ đề xuất này.
Quyết định ủng hộ đề xuất này đảo ngược lập trường trước đó của Mỹ và mở ra hy vọng lớn để các nước thu nhập thấp và trung bình vốn khan hiếm vaccine có cơ hội tự sản xuất và đối phó với đại dịch hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho rằng việc chia sẻ bằng sáng chế không phải là điều quan trọng hiện nay. Điều quan trọng là các nước lớn như Anh và Mỹ chia sẻ nguồn vaccine bởi hiện hai nước này đang áp lệnh chặn xuất khẩu vaccine và nguyên liệu sản xuất vaccine ra thế giới.
Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến cho rằng sản xuất vaccine là quy trình đòi hỏi công nghệ, năng lực sản xuất cao cũng như nhiều nguyên vật liệu, trong đo có nhiều loại khan hiếm. Do đó, việc chia sẻ bằng sáng chế vaccine chưa chắc là một giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề nguồn cung vaccine trên thế giới.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng vaccine cũng là một vấn đề cần quan tâm bởi nếu chất lượng không được đảm bảo, tình hình sẽ càng phức tạp hơn.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng việc miễn trừ bản quyền vaccine có thể mất nhiều năm để thương lượng và do đó không thể giải quyết ngay nhu cầu cấp thiết về việc sản xuất nhanh và nhiều vaccine hơn.
"EU sẽ mở cuộc thảo luận về bằng sáng chế, tuy nhiên việc chia sẻ công nghệ không phải là biện pháp để nhanh chóng giải quyết các vấn đề trong đại dịch", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại một hội nghị gần đây về vấn đề này.