Việt Nam khẳng định cam kết và quyết tâm trong hợp tác phòng, chống mua bán người

Việt Nam đề nghị các nước cùng triển khai hành động chung, dựa trên cam kết chung, nhận thức chung và mục tiêu chung để tạo môi trường di cư an toàn, hợp pháp vì quyền và lợi ích người di cư.

 Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Xuân Sơn)

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Xuân Sơn)

Từ ngày 16-18/7, tại Hà Nội, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao phối hợp với Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh New Zealand đồng tổ chức Hội nghị Giai đoạn hành động chung 2023-2024 và cuộc họp thường niên của Nhóm làm việc về triệt phá các mạng lưới đưa người di cư trái phép và mua bán người (Nhóm làm việc) trong khuôn khổ Tiến trình Bali về chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia có liên quan.

Tham dự các sự kiện có gần 60 đại biểu đến từ các quốc gia thành viên của Nhóm làm việc (Việt Nam, New Zealand, Thái Lan, Malaysia, Sri Lanka, Philippines, Australia, Indonesia, Maldives...) cùng đại diện Tổ chức Di cư quốc tế (IOM).

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Doãn Hoàng Minh, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho rằng, trong bối cảnh di cư diễn ra nhanh chóng, cần giải quyết hiệu quả hơn nữa các thách thức phức tạp đi cùng với quá trình di cư như vấn đề tội phạm lạm dụng công nghệ để đưa người di cư trái phép, mua bán người; lừa đảo về cơ hội việc làm ở nước ngoài; vấn đề đói nghèo, bất bình đẳng, xung đột, mất cân đối về nhân khẩu học, biến đổi khí hậu…

Trong hai năm qua, tại khu vực nổi lên hoạt động tội phạm có tổ chức đưa người đến các cơ sở sòng bạc trực tuyến nhằm ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhiều người trong số đó trở thành nạn nhân bị mua bán. Theo đánh giá của IOM, các kênh di cư hợp pháp của người di cư từ các nước đang phát triển bị thu hẹp đáng kể.

Cho rằng không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết những thách thức đó, ông Doãn Hoàng Minh đề nghị các nước cùng triển khai hành động chung, dựa trên cam kết chung, nhận thức chung và mục tiêu chung để tạo môi trường di cư an toàn, hợp pháp vì quyền và lợi ích người di cư, đóng góp vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng của khu vực và toàn cầu.

Cục trưởng Cục Lãnh sự đánh giá cao vai trò của New Zealand trong dẫn dắt Nhóm làm việc cũng như hỗ trợ Việt Nam trong vai trò đồng chủ trì; tin tưởng Hội nghị sẽ xác định được giai đoạn hành động chung mới, đáp ứng tốt mối quan tâm và ưu tiên từ các nước thành viên, phù hợp với Chiến lược Adelaide 2023 Tiến trình Bali.

Ông Doãn Hoàng Minh, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Xuân Sơn)

Ông Doãn Hoàng Minh, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Xuân Sơn)

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Caroline Beresford cho biết, tháng 5/2024, Wellington đã xác định lại chính sách đối ngoại theo hướng tập trung hơn vào Đông Nam Á (cùng với Thái Bình Dương) và thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với đối tác tại khu vực.

Tại Việt Nam, phù hợp với quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, mục tiêu chung của New Zealand là hợp tác vì lợi ích người dân, góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu, dựa trên các trụ cột: chia sẻ thông tin và tăng cường hợp tác về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia có liên quan.

Đánh giá cao vai trò của Tiến trình Bali, Đại sứ New Zealand cho rằng, đây là minh chứng cho nỗ lực tập thể nhằm chống nạn đưa người di cư trái phép, mua bán người; khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ cho Tiến trình Bali cũng như thúc đẩy hợp tác với các đối tác nhằm duy trì nguyên tắc và mục tiêu của Tiến trình. Đồng thời, bà Caroline Beresford đánh giá cao vai trò đồng chủ trì Nhóm làm việc của Việt Nam từ năm 2020 đến nay.

Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Caroline Beresford đánh giá cao vai trò đồng chủ trì Nhóm làm việc của Việt Nam từ năm 2020 đến nay. (Ảnh: Xuân Sơn)

Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Caroline Beresford đánh giá cao vai trò đồng chủ trì Nhóm làm việc của Việt Nam từ năm 2020 đến nay. (Ảnh: Xuân Sơn)

Sự kiện diễn ra trong 3 ngày, tập trung vào các nội dung chính: đánh giá các kết quả đã đạt được và rút ra bài học kinh nghiệm, thực tiễn tốt sau 12 tháng triển khai Giai đoạn hành động chung 2023-2024; tổng kết hoạt động của Nhóm làm việc trong năm vừa qua và thảo luận phương hướng, ưu tiên hoạt động trong thời gian tới.

Trong ngày đầu tiên, bà Phan Thị Minh Giang, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao có bài dẫn đề về phòng ngừa bóc lột và bảo vệ những người dễ bị tổn thương; bà Kylie Seumanu, Vụ trưởng, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh New Zealand trình bày về tình hình di cư trái phép và mua bán người tại New Zealand; đại diện của New Zealand và Sri Lanka cập nhật kết quả thực hiện Giai đoạn hành động chung 2023-2024.

Trong ngày thứ hai, bà Park Mi-hyung, Trưởng đại diện Phái đoàn IOM tại Việt Nam chia sẻ về việc bảo vệ những cộng đồng dễ bị tổn thương trong quá trình di cư và giải quyết nguyên nhân của di cư trái phép. Hội nghị cũng dự kiến trao đổi về những giải pháp triển khai hiệu quả Giai đoạn hành động chung tiếp theo trên cơ sở những bài học kinh nghiệm và thực tiễn từ Giai đoạn hành động chung 2023-2024.

Cuộc họp ngày cuối cùng sẽ có bài trình bày của hai chuyên gia đến từ Cơ quan Cảnh sát quốc gia Ireland và Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an Việt Nam về tội phạm mua bán người đến Ireland và phòng, chống xuất nhập cảnh, di cư trái phép giữa Việt Nam với các nước.

Tổ chức trong bối cảnh Ngày thế giới phòng, chống mua bán người và Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người của Việt Nam (30/7) sắp tới, Hội nghị này là sự khẳng định mạnh mẽ cam kết và quyết tâm của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác quốc tế nhằm phòng, chống mua bán người, bảo vệ kịp thời nạn nhân bị mua bán.

Xuân Sơn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/viet-nam-khang-dinh-cam-ket-va-quyet-tam-trong-hop-tac-phong-chong-mua-ban-nguoi-278871.html