Việt Nam – khu vực Bắc Mỹ: Mở rộng hợp tác sản xuất và giao thương hàng công nghiệp

Nhằm thúc đẩy hợp tác sản xuất, giao thương mặt hàng công nghiệp với các thị trường trong khu vực Bắc Mỹ, đặc biệt trong tình hình mới hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp (DN) Việt cần chủ động tìm hiểu thông tin về xu hướng, quy định, chính sách mới và xây dựng lộ trình hợp tác bền vững tại các thị trường này.

Tháng 11 vừa qua, Hiệp định Thương mại tự do Hoa Kỳ - Canada – Mexico (USMCA) chính thức được ký kết, thay cho Hiệp địnhThương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cũ, đã tạo sự biến động mạnh mẽ trong thương mại quốc tế nói chung và khu vực Bắc Mỹ nói riêng. Nhiều quy định, chính sách mới tại các thị trường này cũng sẽ thay đổi. Đặc biệt, Canada và Mexico có cơ chế, chính sách đột phá nhất trong năm 2019. Đây chính là cơ hội cho các DN Việt thúc đẩy hợp tác đầu tư, sản xuất, giao thương sang các nước này.

Tại Hội thảo “Hợp tác sản xuất và giao thương các mặt hàng công nghiệp giữa Việt Nam và Bắc Mỹ trong tình hình mới” diễn ra ngày 4/12, do Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức, ông Nguyễn Hồng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) – cho rằng, Mexico là thị trường có quy mô nhỏ nhất so với Hoa Kỳ và Canada nhưng lại có tiềm năng rộng nhất với Việt Nam.

Số liệu thống kê cho thấy, 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mexico đạt 1,96 tỷ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu sang Mexico phần lớn vẫn thuộc nhóm hàng công nghiệp như: Điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; giày dép các loại; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác…

Trong đó, dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có triển vọng mở rộng thị trường tại Mexico. Mặc dù vận chuyển xa hơn so với thị trường Hoa Kỳ, nhưng bù lại DN Việt Nam hiện có nhiều lợi thế hơn các DN khác cùng xuất khẩu sang Mexico như Trung Quốc, do thuế nhập khẩu thấp hơn. Để mở rộng xuất khẩu vào thị trường này, ông Nguyễn Hồng Dương khuyến nghị, DN cần tìm hiểu để có sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và chú ý đến chất lượng, thời gian giao hàng.

Còn đối với Canada, đây là thị trường nằm giữa Mexico và Hoa Kỳ về mặt quy mô và thị trường, nên có những đơn hàng phù hợp với DN Việt Nam. Đặc biệt, mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Canada cùng với Hiệp định CPTPP đang đặt nền móng vững chắc, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng cho DN hai nước.

Theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Việt Nam có thể tận dụng để phát triển công nghiệp hỗ trợ nhờ sự quan tâm của chính quyền Canada với Việt Nam được tăng lên rõ rệt và về mặt khung pháp lý, hai nước cũng đã có hiệp định thương mại tự do tạo nền tảng pháp lý. Về quy mô sản xuất và thị trường, Canada khá phù hợp với năng lực của nền công nghiệp Việt Nam. Về mặt công nghệ, Canada cũng không thua kém các nước đã phát triển khác.

Dự báo công nghiệp ô tô, dệt may, chế biến thực phẩm sẽ là những lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng hợp tác phát triển mạnh tại Canada”- đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ nhấn mạnh.

Với hàng dệt may, hiện mặt hàng này của Việt Nam mới chiếm khoảng 7% tổng nhập khẩu của quốc gia này. Mặc dù thị trường quần áo của Canada có dung lượng nhỏ, nhưng nhiều công ty phân phối sản phẩm dệt may hàng đầu thế giới có trụ sở tại Canada và đa số các công ty này đều phân phối cho thị trường Mỹ, cũng như các nước khác, nên đây sẽ là cơ hội rộng mở cho hàng dệt may của Việt Nam. Thuế nhập khẩu mặt hàng này vào Canada sẽ giảm từ 17 -18% xuống còn 0% khi hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 năm nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi. Hay da giày được giảm thuế từ 19% xuống còn 0% trong lộ trình 7 -11 năm. Trên thực tế, chỉ hơn 4 tháng sau khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu nội khối đã tăng đáng kể, trong đó, riêng xuất khẩu sang thị trường Canada của Việt Nam đã tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường rộng lớn, khó tính và cao cấp hơn 2 thị trường Mexico và Canada trong khu vực Bắc Mỹ chính là Hoa Kỳ. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, 10 tháng năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 41,12 tỷ USD, tăng 35,43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là hàng dệt, may; điện thoại các loại và linh kiện; giày dép; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…

Trong bối cảnh thay đổi lớn về chính sách của khu vực Bắc Mỹ, cùng với sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng và đầu tư quốc tế, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Bắc Mỹ rất lớn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn có những nguy cơ không nhỏ về hàng rào thương mại mới. Các DN Việt cần xây dựng lộ trình hợp tác sản xuất, giao thương bền vững và các bên cùng có lợi. Đặc biệt, cần chú ý tính toán chi phí logistics, xây dựng mối quan hệ với nhà phân phối và tuân thủ các thủ tục xuất nhập khẩu của các nước khu vực Bắc Mỹ.

“DN cần tuân thủ pháp luật chống độc quyền và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Hoa Kỳ. Tuyệt đối không tham gia thực hiện bất kỳ các thỏa thuận thuộc 4 loại hành vi hạn chế cạnh tranh nghiêm trọng, bao gồm ấn định giá, phân chia thị trường, hạn chế sản lượng, thông đồng đấu thầu. Ngoài ra, khi tham gia ký kết hợp đồng, thỏa thuận hợp đồng bất kỳ đối tác nào,cần rà soát kỹ nội dung hợp đồng thỏa thuận, thậm chí tham vấn luật sư có liên quan trong khi tham gia ký kết hợp đồng” – bà Hoàng Thị Thu Trang – Phó Giám đốc Trung tâm thông tin, tư vấn và đào tạo (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương) khuyến nghị.

Thu Phương - Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/viet-nam-khu-vuc-bac-my-mo-rong-hop-tac-san-xuat-va-giao-thuong-hang-cong-nghiep-129309.html