Việt Nam ký hiệp định vay và viện trợ gần 400 triệu USD cho 3 dự án

Buổi lễ ký kết diễn ra trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (Hội nghị P4G) tại Việt Nam.

Ngày 16/4, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia diễn ra Lễ ký kết các hiệp định vay và viện trợ giữa Việt Nam với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho các Dự án Cải thiện Môi trường nước tỉnh Bình Dương, vay vốn WB (IBRD), Dự án Phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, vay vốn WB (IDA) và Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bào dân tộc thiểu số ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Phú Yên và Quảng Trị, vay vốn ADB.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch ADB - ông Scott Morris, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam - ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam, Campuchia, và Lào - bà Mariam J. Sherman, đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Bình Dương, Quảng Trị, Phú Yên và đại diện Chủ đầu tư các dự án chứng kiến lễ ký.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Lễ ký kết các hiệp định vay và viện trợ giữa Việt Nam với ADB cho Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bào dân tộc thiểu số ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Phú Yên và Quảng Trị, vay vốn ADB. (Ảnh: Dương Giang-TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Lễ ký kết các hiệp định vay và viện trợ giữa Việt Nam với ADB cho Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bào dân tộc thiểu số ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Phú Yên và Quảng Trị, vay vốn ADB. (Ảnh: Dương Giang-TTXVN)

Bà Mariam J. Sherman cho biết: "Hai dự án WB đại diện cho các khoản đầu tư chiến lược vào tương lai của Việt Nam. Việc nâng cấp các tuyến đường thủy phía Nam sẽ giảm bớt tình trạng tắc nghẽn tại cảng, giảm chi phí vận chuyển và giúp thương mại hiệu quả hơn bằng cách chuyển hàng hóa từ đường bộ sang đường thủy, giảm phát thải trong khi vẫn tăng cường khả năng cạnh tranh. Đồng thời, việc mở rộng xử lý nước thải tại Bình Dương sẽ bảo vệ các nguồn tài nguyên quan trọng và cải thiện điều kiện sống cho hàng trăm nghìn người.

Cùng nhau, những nỗ lực này sẽ thúc đẩy hoạt động kinh tế, tăng cường kết nối khu vực và đặt nền tảng cho sự phát triển toàn diện và bền vững hơn. Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ việc thực hiện hiệu quả các dự án này và hợp tác với Chính phủ trong các khoản đầu tư thậm chí còn tham vọng và mang tính chuyển đổi hơn nữa, mang lại tác động lâu dài".

Tổng giá trị các khoản vay và viện trợ được ký kết gần 400 triệu USD cho 3 dự án.

Đầu tiên là Dự án Cải thiện Môi trường nước tỉnh Bình Dương có tổng mức đầu tư 7.211 tỷ đồng, trong đó vốn vay WB (IBRD) là 5.354 tỷ đồng (tương đương 230,76 triệu USD). Cơ quan chủ quản của Dự án là Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.

Dự án nhằm mục tiêu cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải đô thị gây ra tại các khu vực của tỉnh Bình Dương gồm 3 thành phố: Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên.

Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị mới cho thành phố Tân Uyên, mở rộng mạng lưới thu gom và nâng công suất nhà máy xử lý nước thải cho thành phố: Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên; nâng cao năng lực quản lý lĩnh vực nước thải cho tỉnh Bình Dương; tăng cường an ninh nguồn nước cho các vùng hạ lưu sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, đặc biệt là TP.HCM với khoảng 40% lượng nước cấp cho thành phố lấy từ sông Đồng Nai.

Thứ hai là Dự án Phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, có tổng mức đầu tư 3.901,602 tỷ đồng, trong đó vốn vay WB (IDA) là 2.493,731 tỷ đồng (81,2 triệu SDR - tương đương 107,67 triệu USD). Cơ quan chủ quản của Dự án là Bộ Xây dựng (trước đây là Bộ Giao thông vận tải).

Việc huy động nguồn vốn IDA sẽ giúp Dự án đạt được mục tiêu cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm tắc nghẽn, tai nạn, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy thông qua việc cải tạo, nâng cấp hành lang vận tải Đông - Tây kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cải tạo hành lang vận tải Bắc - Nam kết nối khu vực Đông Nam Bộ với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến đầu tư xây dựng nằm ở cửa sông Thị Vải (đối diện với Cụm cảng Cái Mép Thị Vải).

Do đó, việc đầu tư Dự án này cũng đồng thời giúp kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Đông Nam Bộ với Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Dự án sẽ góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.

Thứ ba là Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bào dân tộc thiểu số ứng phó với biến đổi khí hậu tại tỉnh Phú Yên và Quảng Trị, gồm dự án thành phần Phú Yên và dự án thành phần Quảng Trị.

Dự án thành phần tỉnh Phú Yên có tổng mức đầu tư là 914,776 tỷ đồng (tương đương 39,413 triệu USD), trong đó: vốn vay OCR của ADB là 673,09 tỷ đồng (tương đương 29 triệu USD) và vốn viện trợ không hoàn lại là 23,21 tỷ đồng (tương đương 1 triệu USD), vốn đối ứng là 218,476 tỷ đồng (tương đương 9,413 triệu USD). Cơ quan chủ quản của Dự án là UBND tỉnh Phú Yên.

Dự án thành phần tỉnh Quảng Trị có tổng mức đầu tư là 921,698 tỷ đồng (tương đương 39,711 triệu USD), trong đó: vốn vay OCR của ADB là 696,298 tỷ đồng (tương đương 30 triệu USD), vốn đối ứng là 225,4 tỷ đồng (tương đương 9,711 triệu USD). Cơ quan chủ quản của Dự án là UBND tỉnh Quảng Trị.

Buổi lễ ký kết diễn ra trong khuôn khổ các hoạt động bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (Hội nghị P4G) tại Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Phương Anh (Nguồn: Bộ Ngoại giao )

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/viet-nam-ky-hiep-dinh-vay-va-vien-tro-gan-400-trieu-usd-cho-3-du-an-ar938107.html