Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn của doanh nghiệp châu Âu

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý III/2024 với những tín hiệu tích cực trong tâm lý kinh doanh tại Việt Nam sau cơn bão số 3.

Theo đó, Chỉ số BCI tại Việt Nam trong quý III/2024 đã tăng lên 52 so với cùng kỳ năm 2023 là 45,1 và đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ trong một năm đầy biến động trước các yếu tố ngoại cảnh. Kết quả khảo sát còn cho thấy, có đến 47,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát tin rằng tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam sẽ có sự cải thiện trong quý tới.

Kết quả này phản ánh tích cực tâm lý kinh doanh của doanh nghiệp dù nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những thách thức kinh tế do hậu quả của bão Yagi và những rào cản trong vận hành doanh nghiệp.

Đáng chú ý, trong cuộc khảo sát doanh nghiệp gần đây nhất của EuroCham, được thực hiện từ ngày 12 đến 25/9, sau khi cơn bão xảy ra, gần một nửa (47,4%) tin rằng tình hình kinh tế vĩ mô sẽ có sự cải thiện trong quý tới. Thêm vào đó, triển vọng dài hạn vẫn ở mức cao, với 69,3% kỳ vọng về môi trường kinh doanh thuận lợi trong vòng năm năm tới.

Điều này càng được củng cố bởi EuroCham cho biết có đến 67% doanh nghiệp châu Âu khuyến nghị Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn mặc dù vẫn còn một số thách thức nhất định.

Có đến 67% doanh nghiệp châu Âu khuyến nghị Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn mặc dù vẫn còn một số thách thức nhất định

Có đến 67% doanh nghiệp châu Âu khuyến nghị Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn mặc dù vẫn còn một số thách thức nhất định

Theo Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert, bất chấp những căng thẳng kinh tế gần đây do bão Yagi gây ra, sự kiên cường và thích ứng của cả nền kinh tế Việt Nam cũng như cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại đây được thể hiện rõ qua báo cáo Chỉ số BCI quý III/2024. Kết quả này không chỉ là những con số, mà tô điểm một bức tranh toàn cảnh nêu bật sự phát triển của Việt Nam như một trung tâm kinh doanh chiến lược.

Bên cạnh đó, Chủ tịch EuroCham cũng đánh giá tác động của cơn bão số 3 đã nhấn mạnh nhu cầu cấp bách về việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, và Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2024, diễn ra từ ngày 21 - 23/10, là một nền tảng kịp thời để thúc đẩy những đối thoại cần thiết về cách Việt Nam có thể duy trì tính cạnh tranh trong khi chuyển đổi sang một tương lai xanh và bền vững hơn.

Cùng với đó, khảo sát của EuroCham cũng cho thấy Việt Nam đang có ba trở ngại lớn nhất trong hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu là gánh nặng hành chính, quy định chưa rõ ràng và khó khăn trong việc xin giấy phép.

Cụ thể, theo thống kê từ khảo sát, 66% doanh nghiệp hiện đang sử dụng từ 1 - 9% nhân viên là người nước ngoài, trong khi 6% doanh nghiệp có trên 20% nhân sự là người nước ngoài. Mặc dù các doanh nghiệp thể hiện mong muốn khai thác tối đa tiềm năng từ nguồn lao động trong nước và quốc tế, họ vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc tuyển dụng lao động Việt Nam.

Trong đó, thiếu hụt các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết, tỷ lệ nghỉ việc cao, và hạn chế trong việc cung cấp nguồn lực đào tạo. Đối với các chuyên gia nước ngoài, những thách thức chủ yếu đến từ quy trình xin visa và giấy phép lao động phức tạp, quy định lao động nghiêm ngặt và chi phí liên quan cao, kèm theo khó khăn trong việc xin các giấy tờ và phê duyệt cần thiết.

Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi có tới 1/3 số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đã trải qua những trải nghiệm không tích cực với hệ thống visa tại Việt Nam, khiến nhiều chuyên gia quốc tế quan ngại trong việc gia nhập thị trường lao động Việt Nam.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng ghi nhận những khó khăn liên quan đến các quy trình thuế và việc tuân thủ các quy định phòng cháy chữa cháy.

Tuy nhiên, dù phải đối mặt với những trở ngại, các kế hoạch mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam vẫn đầy tiềm năng, với gần 80% doanh nghiệp cho biết họ đã có từ 1 đến 3 văn phòng hoặc cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Trong số các doanh nghiệp chia sẻ kế hoạch mở rộng, hơn một nửa dự định mở rộng hoạt động, với nhiều kế hoạch phát triển các cơ sở sản xuất mới ở miền Bắc hoặc mở thêm văn phòng tại các thành phố trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Khảo sát Chỉ số BCI của EuroCham được thực hiện bởi Decision Lab, nhằm thu thập và phân tích thông tin từ mạng lưới 1.400 thành viên của Hiệp hội. Báo cáo hàng quý này đóng vai trò như một thước đo đánh giá của các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam, cung cấp những thông tin kịp thời về bối cảnh kinh doanh tại một trong những thị trường năng động nhất Đông Nam Á.

Chỉ số BCI góp phần đưa ra góc nhìn đa chiều về các điều kiện hiện tại và kỳ vọng trong tương lai đối với nền kinh tế, từ đó giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định chiến lược và vận động chính sách.

Nguyễn An

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/viet-nam-la-diem-den-dau-tu-hap-dan-cua-doanh-nghiep-chau-au-313815.html