Việt Nam là điểm đến hàng đầu đối với hàng hóa Canada trong ASEAN
Bộ trưởng Thương mại bang British Columbia (Canada) cho biết Việt Nam đang được đánh giá có vai trò cửa ngõ cho các doanh nghiệp Canada muốn tiếp cận thị trường 660 triệu khách hàng của ASEAN.
Để đánh giá lại 5 năm thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trong bối cảnh mới của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tiến tới Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) ASEAN-Canada, Hội thảo với chủ đề "Tận dụng đòn bẩy FTA để vào ASEAN: Cơ hội về công nghiệp và công nghệ cho các doanh nghiệp Canada tại Việt Nam" đã được tổ chức tại tỉnh British Columbia (BC) vào cuối tuần qua.
Sự kiện do Thương vụ và Văn phòng Khoa học Công nghệ Đại sứ quán Việt Nam tại Canada phối hợp với Bộ Việc làm, Phát triển Kinh tế và Đổi mới Sáng tạo British Columbia và Hội đồng Kinh doanh Canada-ASEAN tổ chức đã thu hút mối quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp khu vực bờ Tây Canada cũng như các doanh nghiệp của người Việt đang làm ăn tại Canada và nhiều Bộ, ngành của British Columbia.
Hội thảo này là một trong những chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 30 năm thành lập Cơ quan Thương vụ tại Canada.
Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Thương mại British Columbia Jagrup Brar cho rằng Canada đã có được những bài học về giá trị và tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế khi nền kinh tế toàn cầu đối mặt với bất ổn chưa từng có và tác động tới hoạt động kinh doanh và chuỗi cung ứng của nước này. Việc tăng cường quan hệ với các đối tác toàn cầu như Việt Nam là rất quan trọng.
Việt Nam nằm trong ASEAN, khu vực có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, và là điểm đến hàng đầu đối với hàng hóa dịch vụ của Canada trong số các quốc gia ASEAN, nhờ có tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 7% hơn 30 năm qua.
Việt Nam đang được đánh giá có vai trò cửa ngõ cho các doanh nghiệp Canada muốn tiếp cận thị trường 660 triệu khách hàng này.
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và tỉnh British Columbia đã bắt đầu lấy lại được động lực, với mức tăng trưởng 63% trong năm 2022.
BC cũng là điểm đến nhiều nhất của các doanh nghiệp Việt Nam, với 6 dự án giá trị hơn 300 triệu CAD (219,48 triệu USD).
Ngành lâm nghiệp của British Columbia đang được hưởng lợi trong quan hệ với Việt Nam thông qua CPTPP, trong đó xuất khẩu gỗ xẻ mềm đã tăng gần 60% trong 5 năm qua.
Tổng lãnh sự Việt Nam tại British Columbia Nguyễn Quang Trung đã đưa ra đánh giá rằng CPTPP, khối thương mại đại diện cho 500 triệu dân với GDP khoảng 13.500 tỷ CAD, đã mang lại những cơ hội mới cho quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư của hai bên. Là các thành viên của Hiệp định này, các nhà đầu tư và xuất khẩu của cả Việt Nam và Canada đều đang hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường rộng mở và môi trường giảm thuế quan theo quy định.
Những mối quan tâm về thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp Canada đã được Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam Trần Thu Quỳnh giải đáp khá đầy đủ. Đó là chính sách thu hút đầu tư công nghiệp của Việt Nam trong tương quan so sánh với các nước ASEAN, những ưu thế của Việt Nam trong khu vực về hạ tầng năng lượng, viễn thông, thương mại điện tử, hải cảng và đặc biệt là vị trí chiến lược của Việt Nam trong hành lang vận tải xuyên Thái Bình Dương.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Canada, bà Trần Thu Quỳnh cho biết tỉnh British Columbia và Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các lĩnh vực công nghiệp nền tảng và công nghiệp tiên tiến mà hai bên cùng có thế mạnh như: năng lượng sạch, xe điện, công nghiệp ôtô, trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn. BC là nơi có thế mạnh về nông lâm nghiệp và khoáng sản thiết yếu. Đây là tiền đề để hai bên hợp tác nhằm khai thác xuất xứ cộng gộp và từ đó xuất khẩu vào thị trường CPTPP hay thị trường mà Canada và ASEAN cùng có FTA.
Về tiềm năng hợp tác, đầu tư, chuyển giao khoa học công nghệ và những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ các công ty công nghệ cũng được ông Hoàng Ngọc Đỉnh, Trưởng Đại diện Khoa học Công nghệ Việt Nam tại Canada, phân tích khá cặn kẽ.
Ông Hoàng Ngọc Đỉnh cho rằng các lĩnh vực công nghệ mới như năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn, khai thác chế biến kim loại thiết yếu hay thu giữ carbon Việt Nam đang rất có nhu cầu và Canada có thể đáp ứng. Các lĩnh vực này không chỉ giúp nhà đầu tư Canada tận dụng được lợi thế từ thị trường Việt Nam mà còn có thể khai thác tối đa các chính sách hỗ trợ của Chính phủ Canada như Quỹ khí hậu hay Chương trình đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng...
Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp khoa học công nghệ, đặc biệt là sau sự kiện Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược Toàn diện. Đây được coi là cơ hội để các đối tác của cả Canada và Việt Nam đẩy mạnh hợp tác, tận dụng và khai thác tiềm năng để sớm trở thành đối tác tin cậy, chiến lược trên các lĩnh vực khoa học công nghệ trong tương lai.
Tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam Canada kiêm Giám đốc Tập đoàn Dan D Park, ông Dan On, đã chia sẻ về những thành công của công ty tại Việt Nam nhằm truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp British Columbia tận dụng triển vọng kinh doanh ngày càng tăng của Việt Nam cũng như khu vực ASEAN./.