Việt Nam là điểm nóng đầu tư sản xuất thông minh

Việt Nam đang trở thành điểm nóng đầu tư công nghiệp toàn cầu nhờ vào lợi thế địa lý độc đáo cùng sự hỗ trợ của các chính sách ưu đãi.

Ngày 26/3, Diễn đàn Sản xuất thông minh toàn cầu Việt Nam 2025 (VGMF 2025) chính thức khai mạc tại Hà Nội, với sự tham dự của gần 800 doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trung tâm sản xuất thông minh mới nổi tại châu Á

Trong bối cảnh tái cấu trúc bản đồ ngành sản xuất toàn cầu, Việt Nam đang nhanh chóng vươn lên, trở thành trung tâm sản xuất thông minh mới nổi tại châu Á.

Việt Nam là điểm nóng đầu tư sản xuất thông minh

Việt Nam là điểm nóng đầu tư sản xuất thông minh

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 2 tháng đầu năm 2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 6,9 tỷ USD, tăng ấn tượng 35,5% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đạt 127,07 tỷ USD, tiếp tục củng cố vị thế quan trọng của Việt Nam trong ngành sản xuất toàn cầu.

Diễn đàn VGMF 2025 có chủ đề “Hợp tác sản xuất thông minh, cùng nhau tạo dựng tương lai ngành công nghiệp”, nhằm xây dựng một nền tảng quốc tế cho giao lưu và hợp tác, thúc đẩy đổi mới công nghệ và nâng cấp ngành công nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp tiến sâu hơn vào thị trường Việt Nam. Đồng thời, nắm bắt cơ hội lịch sử do sự chuyển dịch của ngành sản xuất toàn cầu mang lại.

Hiện nay, ngành sản xuất của Việt Nam đang tăng tốc chuyển đổi sang tự động hóa, số hóa và thông minh, đặc biệt là dưới sự thúc đẩy của các ngành công nghệ cao như điện tử, ô tô, năng lượng mới, bán dẫn, công nghệ sản xuất thông minh đang dần lan rộng.

Vùng Đồng bằng sông Hồng (miền Bắc) đã hình thành chuỗi ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng, quang học, bán dẫn hoàn chỉnh, bao gồm các tập đoàn lớn như Samsung, Foxconn, Luxshare Precision… Trong khi đó, Đồng bằng sông Cửu Long (miền Nam) chủ yếu phát triển ngành điện gia dụng, dệt may, giày dép, với sự hiện diện sâu rộng của các doanh nghiệp như Haier (AQUA), TCL, Midea, Adidas…

Mặc dù ngành sản xuất của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, nhưng sự thiếu hụt trong việc nội địa hóa chuỗi cung ứng và mức độ sản xuất thông minh cần được nâng cao vẫn là những thách thức cốt lõi.

Diễn đàn VGMF 2025 tập trung vào các vấn đề then chốt như hợp tác chuỗi ngành, sản xuất thông minh, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và thảo luận cách nắm bắt cơ hội vàng của ngành sản xuất Việt Nam, cùng nhau thúc đẩy nâng cấp ngành công nghiệp.

Nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài

Thông tin tới các doanh nghiệp nước ngoài tại diễn đàn, GS. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, từ thành quả kinh tế - xã hội đã đạt được năm 2024, GDP tăng 7,09%, 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên, làm tiền đề để tăng hai con số từ 2026 và những năm tiếp theo.

GS. Nguyễn Mại- Chủ tịch VAFIE phát biểu tại sự kiện

GS. Nguyễn Mại- Chủ tịch VAFIE phát biểu tại sự kiện

Việt Nam đang tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo phương châm đổi mới, sáng tạo, lấy khoa học, công nghệ, giáo dục làm quốc sách, chuyển đổi sang kinh tế số, doanh nghiệp số, chính phủ số, kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, giảm thiểu khi phát thải nhà kính, thực hiện net- zero vào năm 2050.

Để thực hiện mục tiêu đầy tham vọng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tập trung hoàn thiện thể chế, luật pháp, chính sách theo hướng tiếp cận với thông lệ quốc tế. Đồng thời, cơ cấu bộ máy nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, giảm thiểu thủ tục hành chính để giảm chi phí cơ hội, thời gian cho doanh nghiệp và người dân.

GS. Nguyễn Mại thông tin, năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW về đầu tư nước ngoài theo hướng coi trọng hơn việc lựa chọn nhà đầu tư và dự án FDI có chất lượng và hiệu quả hơn phù hợp với định hướng mới về kinh tế- xã hội. Năm 2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và đang tổng kết Nghị quyết 10-NQ/TW về kinh tế tư nhân để đề ra định hướng, giải pháp mới nhằm làm cho kinh tế tư nhân không còn rào cản, được tự do phát triển, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng nhất.

Về hội nhập quốc tế, Việt Nam đã ký kết và thực hiện 17 FTA thế hệ mới, đang đàm phán, tiến tới với một số đối tác về FTA mới. Các đối tác dành cho Việt Nam ưu đãi cao hơn, thực hiện sớm hơn, nhất là về thuế quan rất thấp, nhiều mặt hàng xuất khẩu không phải nộp thuế.

“Đây là cơ hội để đầu tư các dự án FDI tại những tỉnh và thành phố của Việt Nam phù hợp với định hướng thu hút FDI của Chính phủ và chính quyền địa phương để hưởng lợi từ các ưu đãi của các đối tác cho Việt Nam tại FTAs thế hệ mới” - GS Nguyễn Mại nhấn mạnh./.

Diễn đàn VGMF 2025 quy tụ các chuyên gia hàng đầu, lãnh đạo các doanh nghiệp và đại diện chính phủ trong ngành sản xuất thông minh toàn cầu, cùng nhau thảo luận sâu về các vấn đề cốt lõi như sản xuất thông minh, chuyển đổi số, hợp tác chuỗi ngành và an ninh chuỗi cung ứng.

Hà My

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/viet-nam-la-diem-nong-dau-tu-san-xuat-thong-minh-173258.html